Bộ GTVT sẽ tổ chức họp báo để công bố Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ ba, 09/06/2015 16:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt và tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch của đường sắt vào chiều nay (9/6), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT sẽ tổ chức họp báo công bố Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Để thực hiện công tác công khai, công bố về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giao cho Vụ KHĐT cùng với Cục Đường sắt Việt Nam và Văn phòng Bộ ra thông cáo báo chí; tập hợp các nội dung: Triển khai Quy hoạch đường sắt dưới Chiến lược, Quy hoạch chi tiết đường sắt Bắc - Nam và các quy hoạch liên quan khác, các dự án đã được cho chuẩn bị đầu tư trong quá trình thực hiện Chiến lược…

Thứ trưởng giao cũng cho Văn phòng Bộ tham mưu về thời gian tổ chức họp báo; Tổng công ty ĐSVN chuẩn bị các nội dung về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tại thời điểm hiện tại.

Đối với việc triển khai Chiến lược, Thứ trưởng đề nghị Cục Đường sắt VN khẩn trương hoàn tất Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam trên tuyến hiện hữu; rà soát lại quy hoạch đầu mối. Vụ Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại toàn bộ các dự án trước kia giao cho Tổng công ty Đường sắt VN về phát triển đường sắt mới chuyển cho Ban Quản lý dự án Đường sắt quản lý chuẩn bị đầu tư; Tổng công ty Đường sắt VN nghiên cứu về vấn đề phát triển công nghiệp đường sắt.

Đánh giá về tình hình thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt tại cuộc họp, Thứ trưởng cho rằng, việc triển khai Đề án này còn chậm và các đơn vị chưa thực sự vào cuộc.

“Các đơn vị phải phân loại các lĩnh vực đầu tư xã hội hóa và phân định được đầu mối thực hiện. Trong đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp nhận đề xuất, nghiên cứu xây dựng phương án và làm việc Nhà đầu tư đối với hạ tầng hiện hữu; Ban PPP tham mưu cho Ban Quản lý dự án đường sắt là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giai đoạn lập đề xuất về dự án các tuyến mới như Hà Nội - Hải Phòng…”  - Thứ trưởng yêu cầu.

Tại cuộc họp này, Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ Kế hoạch -  Đầu tư, Ban PPP đã có báo cáo cụ thể về tình hình triển khai thực hiện các Chiến lược, Quy hoạch Đường sắt và Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt.

K.A
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)