Triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế, trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi qua đường hàng không

Thứ năm, 18/06/2015 17:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng tới các cơ quan đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp cho việc chống mất hành lý vận chuyển theo đường hàng không, bán vé của các hãng hàng không và kết quả khai thác Nhà ga T2 Nội Bài tại cuộc họp chiều nay (18/6).

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về giải pháp cho việc chống mất mát hành lý vận chuyển hàng không, bán vé của các hãng hàng không

Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về giải pháp cho việc
chống mất hành lý vận chuyển hàng không, bán vé của các hãng hàng không

6 tháng đầu năm, có 168 khiếu nại của hành khách

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục HKVN cho biết, năm 2013 có 205 khiếu nại, năm 2014 có 301 khiếu nại và 6 tháng đầu năm 2015 là 168 khiếu nại của hành khách về việc mất hành lý vận chuyển qua đường hàng không.

Ông Thanh đánh giá, đối với các chuyến bay nội địa, trách nhiệm đảm bảo hành lý không bị can thiệp thuộc về các đơn vị ngành Hàng không dân dụng; đối với các chuyến bay quốc tế, do có sự phục vụ của nước ngoài, có nguy cơ hành lý ký gửi bị can thiệp ở nước ngoài hoặc cả ở trong nước. Các khiếu nại của hành khách, hãng hàng không xử lý bằng cách điện kiểm tra các sân bay xuất phát, quá cảnh/nối chuyến và các đơn vị vệ sinh trong việc xác minh và ngăn ngừa sự trộm cắp tài sản (nếu có) trong hành lý ký gửi.

Số lượng khiếu nại lớn đối với các chuyến bay nội địa xuất phát từ Nội Bài cho thấy nguy cơ từ nhân viên nội bộ đơn vị phục vụ hành lý ký gửi từ Nội Bài. Tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đơn vị SAGS sau khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa trộm cắp trong hành lý ký gửi, tỷ lệ % số vụ việc/sản lượng chuyến bay trong năm từ 0.406% của năm 2013 giảm xuống còn 0.342% trong năm 2014.

Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh báo cáo tại cuộc họp

Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Thanh, các nguy cơ dẫn đến việc bị trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi gồm cơ sở hạ tầng, quy trình giám sát và trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Cụ thể là một số lãnh đạo các đơn vị chưa thực sự quyết liệt triển khai các giải pháp chống trộm cắp trong nhân viên do đơn vị quản lý; chưa có sự phân định rõ ràng trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong dây chuyền xử lý hành lý khi xảy ra mất hành lý; việc kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả; các biện pháp phòng ngừa trộm cắp chưa được triển khai đồng bộ trong các đơn vị trên địa bàn…

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục HKVN có báo cụ thể về việc đặt chỗ, bán vé của các hãng hàng không Việt Nam và kết quả khai thác của nhà ga T2 Nội Bài.

Quy trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề mất mát hành lý vận chuyển hàng không

Hoan nghênh và đánh giá cao sự chuẩn bị của Cục HKVN về báo cáo liên quan đến nội dung cuộc họp, Bộ trưởng cho rằng: Vấn đề phòng chống trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi của hành khách qua đường hàng không là một tình trạng hết sức đáng buồn và đáng báo động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành Hàng không, ngành GTVT mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp. “Chúng ta không thể chấp nhận để tình trạng này kéo dài mãi. Nếu không giải quyết triệt để được hiện tượng này là chúng ta có lỗi với đất nước, với nhân dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

“Chúng ta đã nhận định chủ yếu việc mất mát này xảy ra nhiều ở các trong nước và phải thấy xấu hổ khi để tình trạng này xảy ra. Việc này, trước hết là trách nhiệm trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị của ngành Hàng không, trong đó có các đơn vị vận chuyển, các cảng hàng không, các cảng vụ mà bên trên là Cục HKVN. Mặc dù Cục HKVN đã đưa ra các giải pháp và tích cực triển khai hết sức quyết liệt, đồng bộ nhưng rõ ràng hiệu quả chưa đạt như mong muốn, năm sau vẫn cao hơn năm trước” - Bộ trưởng đánh giá.

Trên cơ sở báo cáo cũng như phân tích của các đại biểu dự họp, Bộ trưởng yêu cầu Cục HKVN tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh lại báo cáo tổng kết đánh giá về an ninh, an toàn hàng không. Trong đó, có vấn đề mất cắp tài sản, phải đánh giá đúng thực trạng, nêu ra đúng nguyên nhân của tình trạng này. Các báo cáo này phải được gửi cho các cơ quan liên quan.

“Các cơ quan, đơn vị liên quan phải khẩn trương triển khai ngay các giải pháp cần thiết, cấp bách để kiềm chế, ngăn chặn và giảm đến mức tối đa vấn đề trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi của hành khách qua đường hàng không. Quy trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể là tổ trưởng, đội trưởng, trưởng ca, người phụ trách ca đến cảng vụ, Cục Hàng không VN và các đơn vị có liên quan; khẩn trương rà soát lại toàn bộ đội ngũ nhân viên từ công tác tuyển chọn, nhân thân, vấn đề lương thưởng; tăng cường an ninh bảo vệ nội bộ, tăng cường sự giám sát lẫn nhau; nâng cao nhận thức lãnh đạo, nhân viên, cán bộ có liên quan và coi đây là trách nhiệm của chính mình; tất cả các vụ việc phát hiện được phải báo cáo cơ quan chức năng xử lý theo quy định” - Bộ trưởng nói.

Đối với vấn đề bán vé của các hãng hàng không, Bộ trưởng yêu cầu Cục HKVN làm việc với các hãng hàng không để công khai, minh bạch toàn bộ chuyện bán vé, số lượng ghế còn lại của các chuyến bay phải đưa lên màn hình; từ giờ đến cuối tháng Cục HKVN phải có báo cáo cụ thể vấn đề này.

“Phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay, trong đó phải quy định máy bay dự phòng; Cảng HKQT Nội Bài có tổng kết, đánh giá về kết quả khai thác tại Nhà ga T2 và đến này 30/8 phải đưa tất cả cac gian hàng của T2 và và cà T1 cũ vào hoạt động” - Bộ trưởng yêu cầu.

K.A
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)