Ngày 26/6, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ dẫn đầu đã có chuyến đi kiểm tra công tác khắc phục vệt hằn bánh xe trên tuyến QL1 đoạn từ Hà Nam đến Nghệ An. Qua kiểm tra, bước đầu đoàn đã tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến tình trạng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện trên một số đoạn tuyến cá biệt.
Truy nguyên nhân hằn lún
Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia của Vụ khoa học công nghệ, Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng CTGT và Trường Đại học GTVT, việc hằn lún xuất hiện trên một số đoạn tuyến là do quá trình thi công nhà thầu chưa thực hiện đúng các chỉ dẫn kỹ thuật của Bộ về tỉ phối hỗn hợp bê tông nhựa, thành phần hạt và hàm lượng nhựa. Tiêu biểu như đoạn qua thị trấn Tam Điệp và Kỳ Anh do nhà thầu Xuân Trường thi công. Hiện tượng hằn lún xuất hiện nhiều và cục bộ trên một số đoạn tuyến, lớp bê tông nhựa bề mặt bị trồi lún không đều, có nơi sình lún với nơi lún sâu nhất lên đến hơn 5cm.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ (phải) cùng Vụ trưởng vụ KHCN, Bộ GTVT phân tích thành phần hỗn hợp bê tông nhựa tại km 364 đoạn qua Thị trấn Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Hiện nay nhà thầu Xuân Trường đã khẩn trương cào bóc những vị trí trồi lún để tạo phẳng mặt đường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong đoàn, việc cào bóc trồi lún mà Xuân Trường triển khai chỉ là giải pháp tạm thời, trong khi đó, bê tông nhựa ở đoạn tuyến này có dấu hiệu biến dạng do tỉ phối bê tông nhựa chưa đạt chuẩn như chỉ dẫn của Bộ. Phân tích thành phần hạt từ hồ sơ thiết kế và các hạt bê tông nhựa sau khi cào bóc, có thể thấy rõ: bê tông nhựa sử dụng quá nhiều thành phần hạt nhỏ và bột mịn dẫn đến bề mặt nhựa không đạt chỉ số mác-san, vì vậy, khi gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, nhựa hấp thụ nhiệt bị mềm hóa và biến dạng khi chịu sức ép từ lưu lượng phương tiện quá lớn.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, trước mắt nhà thầu Xuân Trường phải khẩn trương cào bóc bỏ lớp bê tông nhựa trồi lớn hơn 2,5cm, đồng thời san gạt bằng phẳng những vị trí trồi lún dưới 2,5cm. Việc cào bóc tạo phẳng mặt đường phải được hoàn thành trước ngày 30/6. Cùng đó, nhà thầu Xuân Trường phải tiếp tục theo dõi các vị trí hằn lún, sẵn sàng cào bóc và thảm lại bằng bê tông nhựa có thành phần hạt lớn hơn, thảm nghiệm hỗn hợp bê tông nhựa Polymer – loại vật liệu có khả năng kháng hằn lún và chịu được nhiệt độ cao.
Còn tại đoạn Nam thành phố Thanh Hóa – Nghi Sơn do Ban QLDA 1 làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA 1 cho biết: Theo thống kê của Ban trên chiều dài 55km toàn tuyến chỉ có tổng số 1,3km xuất hiện tình trạng hằn lún lớn hơn 2,5cm, tương đương 0,4% chiều dài tuyến. Ngoài ra, một số đoạn qua khu vực dân cư cũng xuất hiện tình trạng hằn lún nhẹ với tổng chiều dài khoảng 4km. Hiện nay, Ban QLDA 1 đang chỉ đạo các nhà thầu trên tuyến khẩn trương cào bóc các vị trí trồi lún, dự kiến đến 30/6, các nhà thầu sẽ khắc phục xong tình trạng hằn lún trên tuyến.
Cũng tại đây, Đoàn công tác đã dừng kiểm tra việc cào bóc trồi bê tông nhựa tại lý trình Km 364 đoạn qua thị trấn Tĩnh Gia. Qua kiểm tra thành phần hạt, các thành viên trong đoàn đã phát hiện hiện tượng trồi bung kết cấu bê tông nhựa. Bóc tách thử một số vị trí trồi nhựa, có thể thấy rõ tính liên kết của thành phần hạt trong hỗn hợp bê tông nhựa không đạt tiêu chuẩn, nhựa đường không có tính kết dính mạnh như các đoạn tuyến khác.
Trước nghi vấn hỗn hợp bê tông nhựa không đảm bảo, ông Bình cho biết: Việc một số đoạn bị trồi bung nhựa là do lỗi trạm trộn. Ngay sau khi đoạn đường này xuất hiện lún, Ban đã tiến hành khoan lấy mẫu mang đi thí nghiệm thành phần, kết quả thí nghiệm cho thấy trong hỗn hợp bê tông nhựa vẫn còn tồn dư dầu FO, loại dầu phải được đốt hết trong quá trình trộn BTN tại trạm.
Để khắc phục hư hỏng này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Ban cùng với các nhà thầu phải ưu tiên cào bóc và thảm lại bê tông nhựa những điểm hư hỏng nặng. Quá trình trộn tại trạm phải kiểm tra, giám sát kỹ, không để xảy ra tình trạng tương tự. Về mặt đường sau khi cào trồi sống trâu, các nhà thầu phải đưa lu rung trà tạo phẳng và đảm bảo mặt đường được êm thuận như lúc mới đưa vào khai thác.
Các nhà thầu tiến hành cào bóc trồi sống trâu trên QL14
Riêng tại tuyến tránh TP. Vinh do Cienco4 thi công, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng: Hỗn hợp bê tông nhựa của CIENCO 4 có quá nhiều thành phần hạt nhỏ, tỉ lệ nhựa trong hỗn hợp cao, không phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng miền Trung. Thứ trưởng yêu cầu, trong quá trình sửa chữa, Cienco 4 cần nghiên cứu, thảm thử nghiệm các loại hỗn hợp bê tông nhựa chịu nhiệt, chịu lực tốt hơn như Bê tông nhựa C19, bê tông nhựa Polymer… trước khi tiến hành thảm đại trà. Cùng đó, Cienco 4 cần xem xét theo đặc thù từng đoạn tuyến để đưa ra biện pháp khắc phục hằn lún tối ưu nhất.
"Bắt mạch… rồi mới bốc thuốc"!
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Mục đích của chuyến đi này không chỉ dừng lại ở việc đôn đốc các đơn vị khắc phục tình trạng hằn lún hay tìm nguyên nhân dẫn đến hằn lún mà quan trọng hơn cả là đưa ra những giải pháp hiệu quả, phù hợp với thực tế, để các nhà thầu khắc phục triệt để tình trạng hằn lún vệt bánh xe khi có biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Thọ cũng khẳng định: Hằn lún vệt bánh xe chỉ xuất hiện ở một vài điểm trong số hàng trăm Km QL1 mới được mở rộng đưa vào khai thác. Thế nhưng, hiện nay cả Chủ đầu tư và nhà thầu đang loay hoay tìm biện pháp khắc phục hằn lún vệt bánh xe, thậm chí, nhiều đơn vị tự bỏ kinh phí sửa chữa nhưng cũng không biết xử lý sao cho triệt để. Trong chuyến đi này, Đoàn công tác sẽ phân tích hiện trạng hằn lún theo từng đoạn, chỉ ra nguyên nhân căn bản để các nhà thầu có biện pháp khắc phục luôn. Ngoài ra, Đoàn sẽ thu thập toàn bộ hồ sơ thiết kế, tỉ phối hỗn hợp bê tông nhựa của cả những đoạn không bị hằn lún và đoạn bị hằn lún để phân tích, đưa ra hỗn hợp chuẩn cho các nhà thầu thực hiện.
Cũng trong chuyến đi này, Đoàn công tác đã đưa ra một giải pháp được xem là mấu chốt gỡ khó cho các nhà thầu sau khi cào bóc các vị trí trồi bê tông nhựa, đó là: Thử nghiệm thảm một lớp tạo nhám tính năng cao. Nếu quá trình thử nghiệm thành công, đoàn sẽ kiến nghị Bộ GTVT đưa vào áp dụng đại trà trên các tuyến đường xuất hiện tình trạng hằn lún.