Đây là nhận xét của đồng chí Phó Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương trong buổi làm việc tại Bộ GTVT nhằm đánh giá công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ thông qua việc thí điểm thi tuyển các chức danh cấp trưởng tại Bộ GTVT. Đại diện Ban TCTW cũng đề nghị Bộ GTVT góp ý nhằm hoàn thiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định:
Bộ GTVT luôn là điểm sáng trên nhiều lĩnh vực,
đặc biệt là công tác thi tuyển các chức danh cấp trưởng
Tiếp và làm việc với Đoàn có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Thứ trưởng Nguyễn Nhật; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GTVT Đỗ Văn Thuật; Chủ tịch Công đoàn GTVT Đỗ Nga Việt; Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT QG Khuất Việt Hùng cùng các đồng chí đại diện Ban Cán sự đảng, Vụ Tổ chức… Đặc biệt, tại buổi làm việc còn có 6/10 đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT đã trúng tuyển tại các cuộc thi chức danh cấp trưởng nhằm chia sẻ các kinh nghiệm thực tế từ công tác thi tuyển tại Bộ GTVT và có các đóng góp vào Đề án của Ban Tổ chức Trung ương.
Việc thi tuyển luôn được thực hiện công khai, minh bạch
Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ GTVT Trần Văn Lâm đã báo cáo công tác thí điểm thi tuyển và bổ nhiệm cán bộ tại Bộ GTVT trong thời gian qua.
Ông Trần Văn Lâm cho biết: Kết quả từ 10 kỳ thi tại Bộ GTVT vừa qua cho thấy những người trúng tuyển, được bổ nhiệm đến nay đã và đang phát huy tốt trình độ, năng lực của mình, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của vị trí thi tuyển; giữ vững ổn định nội bộ của đơn vị; nâng cao được chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị, đáp ứng được yêu cầu của Ban Cán sự đảng Bộ.
“Việc tổ chức các kỳ thi của Bộ GTVT vừa qua đã được các cơ quan và xã hội rất quan tâm theo dõi. Bộ GTVT đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao các kết quả đã đạt được, không những từ tập thể lãnh đạo, công chức các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cá nhân các đồng chí trong Ban Giám khảo mà còn từ nhiều cơ quan, đơn vị cũng như người dân và xã hội”, Vụ trưởng Vụ TCCB Trần Văn Lâm khẳng định.
Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển đầu tiên tại Bộ GTVT:
Thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN
Ông Lâm cũng cho biết thêm, việc bổ nhiệm thông qua thi tuyển của Bộ GTVT trong thời gian qua luôn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng, cụ thể là Ban Cán sự đảng Bộ, trong toàn bộ quá trình thực hiện thi tuyển và bổ nhiệm. Cụ thể là làm đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ cũng như công tác quy hoạch; bảo đảm vai trò của người đứng đầu.
Đặc biệt, việc đảm bảo tính công khai, dân chủ trong thực hiện quy trình bổ nhiệm thông qua thi tuyển tại Bộ GTVT luôn được chú trọng. Nội dung này được thể hiện rất rõ trong quy trình tổ chức thi tuyển. Mọi chủ trương trong quy trình đều được bàn bạc công khai, dân chủ trong tập thể Ban Cán sự đảng Bộ và quyết nghị tập thể…
Ông Trần Văn Lâm cũng khẳng định, về nội dung thi của Bộ GTVT luôn yêu cầu kiến thức rất tổng hợp đối với người dự thi, bao gồm sự hiểu biết về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, thực trạng mặt mạnh, yếu của đơn vị; thực trạng ưu điểm và tồn tại của Ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị… để từ đó đề ra được Chương trình hành động khả thi để áp dụng trong thực tế nếu được bổ nhiệm. Qua đó, Ban Giám khảo đánh giá được toàn diện, chính xác hơn về năng lực thực sự của nhân sự so với quy trình hiện hành.
Thi tuyển là cơ hội để cán bộ trẻ sớm được phấn đấu và cống hiến
Đây là ý kiến nhận được sự đồng tình cao của Đoàn công tác Ban Tổ chức Trung ương cũng như lãnh đạo Bộ GTVT và đặc biệt là các đồng chí Trưởng các cơ quan, ban ngành của Bộ GTVT. Đây cũng là các ý kiến từ thực tế bản thân các đồng chí đã từng tham gia thi tuyển và được giao nhiệm vụ là trưởng các cơ quan của Ngành GTVT hết sức thiết thực vào Đề án của Ban Tổ chức Trung ương đang hoàn thiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc cho rằng cũng như nhiều ứng viên khác tham dự các kỳ thi do Bộ GTVT tổ chức, lúc đầu cảm thấy e dè, không biết BGK có thật sự khách quan hay không? Và tâm lý người dự thi cũng không thoải mái vì sợ trượt.
Các thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển Giám đốc Trung tâm CNTT
“Tuy nhiên, khi đã trải qua và đạt kết quả và được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ GTVT thì tôi thấy thật sự tôi đã được tham dự một kỳ thi tuyển mà BGK công tâm và khách quan. Bên cạnh đó, việc các thí sinh phải làm Đề án và trả lời vấn đáp trước Hội đồng giám khảo là một việc rất tốt để bản thân tôi và các đồng chí như tôi khẳng định được bản thân, đồng thời sau khi trúng tuyển, được bổ nhiệm chính thức lấy đó làm cơ sở để hành động, khi chuyển về làm lãnh đạo ở một đơn vị khác, một lĩnh vực khác tự tin hơn rất nhiều”, ông Ngọc chia sẻ.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc chia sẻ và đóng góp ý kiến vào Đề án thi tuyển
Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Hoàng Hồng Giang cho rằng, việc thi tuyển là một việc nên làm để cán bộ trẻ có cơ hội sớm hơn nhằm mang kiến thức, hoài bão của mình ở một vị trí mới, cao hơn góp phần vào công cuộc xây dựng Ngành và đất nước.
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT, PGS-TS Đào Văn Đông thì đóng góp vào Đề án thi tuyển với ý kiến cho rằng, nên có một chuẩn về ngoại ngữ cho các ứng viên dự thi vào các vị trí mang tính đối ngoại. Ví dụ như phải đạt chuẩn tiếng Anh theo trình độ nào? Các ứng viên phải kèm hồ sơ các chứng chỉ tương ứng. Bên cạnh đó, ông Đông cũng cho rằng, nhất thiết các ứng viên dự thi phải được đào tạo chuyên ngành tương ứng với nơi tuyển chọn, bởi khi đó họ mới đủ tự tin để lãnh đạo cán bộ tại cơ quan đó nếu trúng tuyển.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của cán bộ, lãnh đaọ các cơ quan của Bộ GTVT cho rằng việc xây dựng Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết để vừa tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ, vừa tạo sự công khai, dân chủ, cởi mở trong công tác này.
Các ý kiến của Bộ GTVT tập trung vào việc đề nghị Ban Tổ chức Trung ương khi xây dựng Đề án chung báo cáo Bộ Chính trị cần đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề lớn. Đó là, xác định rõ mục đích thi tuyển là để tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý nên phải có sự cân đối phù hợp giữa trình độ chuyên môn và khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo quản lý; đối tượng tham gia thi tuyển, nội dung thi, cơ cấu hội đồng và việc sử dụng kết quả thi tuyển như thế nào? Đồng thời cũng cần xác định rõ vị trí chức danh nào cần bổ nhiệm thông qua thi tuyển, nên mở rộng thi tuyển bổ nhiệm chức danh cấp phó; không nên tách phần thi và tập sự của cán bộ trúng tuyển đã được bổ nhiệm mà nên lồng ghép vào quá trình công tác, sau thời gian quy định nghiên cứu, xem xét bổ nhiệm chính thức…
Dù thi tuyển hay không cũng phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng
Sau khi nghe ý kiến của nhiều cán bộ lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là ý kiến từ thực tế trải nghiệm của các đồng chí lãnh đạo cấp trưởng vừa được bổ nhiệm thông qua Đề án thí điểm bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển các chức danh cấp trưởng của Bộ GTVT, ý kiến của các thành viên Đoàn công tác Ban TCTW, Phó Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả công tác này của Bộ GTVT.
Đồng chí Phạm Minh Chính khẳng định: Cùng với hai địa phương là Quảng Ninh và Đà Nẵng, Bộ GTVT đã làm rất tốt công tác thí điểm thi tuyển và bổ nhiệm cán bộ. Đã có 10 cuộc thi, chọn 10 vị trí, chức danh lãnh đạo nhưng không hề có đơn thư khiếu nại chứng tỏ công tác này đã thực sự nhận được sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân trong và ngoài ngành và đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, công khai minh bạch.
“Không chỉ có Ban Tổ chức Trung ương mà nhiều cơ quan của Đảng, Chính phủ đều khi nhận, trong thời gian qua, Bộ GTVT luôn là điểm sáng trên rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thực hiện rất thành công việc thí điểm thi tuyển các chức danh cấp trưởng. Ý kiến chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo Bộ cũng như của chính các đồng chí đã từng tham gia thi tuyển sẽ góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hoàn thiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” do Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì xây dựng. Đồng thời đây cũng là địa chỉ tin cậy để chúng tôi giới thiệu các bộ ngành, địa phương tham khảo, học hỏi trong công tác này”, đồng chí Phạm Minh Chính nói.
Phát biểu cám ơn sự đánh giá, ghi nhận của cá nhân đồng chí Phó Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng như các ý kiến đóng góp của Đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Đối với Bộ GTVT, dù thi tuyển hay không cũng phải đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đồng tình với việc xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo mà Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì xây dựng.
“Việc thực hiện Đề án hay nói một cách khách, việc thi tuyển các chức danh được chính thức nhân rộng là cơ hội để các bộ, ngành và địa phương có nhiều cơ hội chọn được người đủ đức, đủ tài vào các vị trí quan trọng, tạo điều kiện có cán bộ trẻ có năng lực sớm được cống hiến, phát huy và đặc biệt là xóa dần cơ chế xin – cho, hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ”, Bộ trưởng nói.
Đóng góp ý kiến vào Đề án, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của các đồng chí thành viên tham dự buổi làm việc là Hội đồng giám khảo nên có từ 15-17 thành viên chia thành các nhóm chuyên môn khác nhau; Cần “nới” thêm các tiêu chuẩn mới có thêm cơ hội chọn lựa người tài; Hội đồng giám khảo phải đặc biệt nghiêm túc xét tuyển và kiểm tra Chương trình hành động của từng ứng viên dự thi bởi khi đó sẽ biết được tương đối khả năng quản lý cũng như trình độ chuyên môn của ứng viên; Thời gian thực hiện thí điểm Đề án trong 3 năm là phù hợp để rút kinh nghiệm cũng như khẳng định được hiệu quả làm việc của người trúng tuyển; Đề án cũng cần có thêm các chính sách về công tác cán bộ nữ…
H.Lâm