Sáng 17/9, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tuyến đường sắt Xuyên Á (Lộc Ninh - Sài Gòn, Biên Hòa - Vũng Tàu).
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam. Bộ trưởng GTVT đã giao Thứ trưởng cùng các cơ quan của Bộ xây dựng tổng thể chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (ngoài cùng bên phải) làm việc với JICA
Từ nay đến năm 2020, tập trung hiện hóa đường sắt Bắc - Nam, nghiên cứu, triển khai đầu tư các công trình có tính kết nối đường sắt với các cảng biển, tàu hàng, đô thị… Đối với xây dựng đường sắt mới (đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam), Bộ trưởng đã chỉ đạo từ nay đến năm 2020 phối hợp với Tổ chức quốc tế (JICA) hỗ trợ triển khai thực hiện, từ sau năm 2020 triển khai đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao, đến năm 2040 hoàn thành toàn bộ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sau năm 2050 đầu tư nâng cấp thành đường sắt cao tốc.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị JICA nghiên cứu hỗ trợ cập nhật dự báo về giao thông, phân bổ theo các phương thức trên hành lang Bắc - Nam, vì thực tế đã có nghiên cứu, nhưng các số liệu thống kê từ năm 2009 - 2010, do đó đến 2017 sẽ trình Quốc hội cần phải cập nhật lại số liệu. Cùng với đó, huy động nguồn lực, phân tích huy động vốn, trong đó tách bạch về phần vốn đầu tư của tư nhân và nhà nước, cũng như tác động lên nợ công.
Thứ trưởng cho biết thêm, Bộ GTVT đang giao tư vấn trong nước nghiên cứu, trên cơ sở của Ban QLDA và các nghiên cứu cũ để tập hợp lại thành đề cương xác định rõ, cụ thể nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện; đồng thời giao cơ quan chuyên môn trong nước lập tiến độ chung từ nay đến năm 2017, trong đó làm tốt chiến lược về truyền thông, xác định các hội thảo, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước.
Về Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Thứ trưởng cho biết, từ năm 2008, Bộ GTVT đã tổ chức lập nghiên cứu đầu tư Dự án, đến nay công tác lập dự án cơ bản hoàn thành nhưng chưa được phê duyệt do chưa xác định được nguồn vốn. Đây là dự án có kinh phí đầu tư lớn nên việc kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT toàn bộ dự án chưa thực hiện được. Để thúc đẩy tiến độ kêu gọi đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo nghiên cứu các phương án phân kỳ, phân đoạn đầu tư phù hợp với nhu cầu giao thông của tuyến để đảm bảo tính khả thi, hoàn vốn và phát huy hiệu quả đầu tư.
Về phía JICA hoàn toàn ủng hộ Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và tuyến đường sắt xuyên Á (Lộc Ninh - Sài Gòn, Biên Hòa - Vũng Tàu). Riêng Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, phía JICA đề nghị cần giải trình thêm về dự án, bởi đây có thể coi là dự án thí điểm mô hình đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) quy mô lớn, chia ra các phân đoạn, các đoạn có thể làm BOT, ODA…
Theo báo cáo về phương án đầu tư của Ban PPP, do Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng mức đầu tư rất lớn, kêu gọi đầu tư trong một hợp đồng BOT sẽ khó thực hiện được nên để đảm bảo tính hấp dẫn đầu tư và khả thi khi thu xếp tài chính, Bộ GTVT nghiên cứu tách dự án thành 3 đoạn để kêu gọi đầu tư với mức thu phí 1.500đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian bắt đầu thu từ 2020, mức tăng phí theo quy định của Bộ Tài chính, hình thức thu phí kín.
Đối với Dự án tuyến đường sắt xuyên Á (Lộc Ninh - Sài Gòn, Biên Hòa - Vũng Tàu, Ban PPP cho biết hiện nay chỉ có 1 nhà đầu tư (Công ty Cổ phần đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành) quan tâm đến tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Nhà đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu kỹ thêm quy mô dự án, bổ sung thêm phương án kết nối đến các chân hàng lớn của một số tỉnh, thành để dự án mang lại hiệu quả, hoàn vốn nhanh.
Theo kiến nghị của Ban PPP, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hỗ trợ từ nguồn vốn vay ODA đầu tư xây dựng đoạn Tân Phú - Bảo Lộc kinh phí khoảng 13.821 tỷ đồng; đầu tư đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức hợp đồng BOT và cho phép thu phí, vận hành trên đoạn Tân Phú - Liên Khương để hoàn vốn cho dự án. Còn Dự án tuyến đường sắt xuyên Á hỗ trợ từ nguồn vốn vay ODA đầu tư xây dựng đoạn Sài Gòn - Lộc Ninh, Biên Hòa - Vũng Tàu với kinh phí dự kiến khoảng 77.819,9 tỷ đồng (bao gồm 2 giai đoạn); đầu tư đoạn Phước Tân - Dĩ An (với tổng chiều dài 20,1km) theo hình huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt.
Xuân Nguyên