Chỉ số năng lực cạnh tranh hạ tầng GTVT Việt Nam tăng đột phá

Thứ năm, 01/10/2015 07:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố năng lực cạnh tranh toàn cầu. Theo đó, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 12 bậc. Riêng chỉ số về hạ tầng giao thông tăng 9 bậc (từ thứ hạng 76 trong Báo cáo 2014 - 2015 tăng lên hạng 67 trong Báo cáo 2015 - 2016), là mức tăng đột phá.


Hạ tầng giao thông tăng 9 bậc từ thứ hạng 76 (2014-2015) lên hạng 67 (2015-2016)

Nỗ lực lớn để cải thiện năng lực cạnh tranh

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), để có được sự cải thiện đáng kể về chỉ số cạnh tranh những năm qua, Bộ GTVT đã thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại ngành GTVT nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây là phương thức phát triển mới để đổi mới quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Trong hai năm qua, lĩnh vực vận tải đã tái cơ cấu thị trường nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ. Trên các hành lang vận tải chính đã tăng thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí vận tải xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6”, ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đi đôi với việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng, Bộ GTVT đã điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đầu tư để tạo ra kết quả thấy rõ là sự cải thiện đáng kể về hạ tầng giao thông. Cùng với việc đầu tư xây dựng, ngành GTVT cũng tập trung khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng. Điển hình là chất lượng dịch vụ cảng biển đã nâng cao được tính cạnh tranh với các cảng biển lớn trong khu vực”.

Một điểm nữa góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh là công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa (CPH), nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước. Ông Ngọc cho rằng, năm 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO 48 doanh nghiệp trên tổng số 76 doanh nghiệp, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác CPH doanh nghiệp. Thời gian qua, ngành GTVT cũng tích cực hợp tác quốc tế tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để tăng cường kết nối GTVT giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2014, Việt Nam đã ký kết và gia nhập 10 điều ước quốc tế trong lĩnh vực GTVT, đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đã được ký kết. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi đến làm việc với các cơ quan của ngành GTVT. Ngày 5/9/2014, Bộ Nội vụ công bố Bộ GTVT là cơ quan đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính trong khối các bộ, ngành.

Nhận định về chỉ số xếp hạng của WEF, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: ‘‘Năng lực cạnh tranh có nhiều tiêu chí, nhưng phải khẳng định lĩnh vực GTVT đã có đóng góp rất tích cực trong việc cải thiện chỉ số cạnh tranh này. Trong hai năm qua, hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể”.

Ông Thanh cũng cho biết, việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng QL1, QL14, thu hút được nhiều nguồn vốn BOT cũng là một thành tựu lớn, giúp giao thông thuận tiện, an toàn hơn. Cùng đó, lĩnh vực vận tải được quản lý chặt hơn. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, phát triển ổn định và cạnh tranh lành mạnh.

Đại diện doanh nghiệp, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) cũng cho rằng, chỉ số xếp hạng nêu trên phản ánh đúng thực tế. ‘‘Phải thừa nhận là cơ sở hạ tầng trong hai năm qua đã có sự đột phá lớn. Rõ nhất là những tuyến cao tốc được nhanh chóng hoàn thiện, đưa vào khai thác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm những cơ hội đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này không chỉ mang lại lợi ích đối với doanh nghiệp mà còn của toàn xã hội”, ông Hải chia sẻ.

Đánh giá của WEF ghi nhận đúng thực tế của Việt Nam

Đánh giá về chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đáng mừng nhất trong lần xếp hạng quốc gia này, hầu hết các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực vốn được coi là hạn chế cũng đã có những cải thiện, nhất là về mặt thể chế. Điều này đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết số 19.

Về sự bứt phá trên bảng xếp hạng trong lĩnh vực GTVT, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, điều này ghi nhận đúng nỗ lực của ngành GTVT trong việc xây dựng đường cao tốc, cải thiện về giao thông đô thị và nhiều giải pháp khác. Bằng chứng là đã có nhiều công trình cầu vượt, đường tránh được xây dựng tại các thành phố. Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã có cải thiện đáng kể.


Các công trình giao thông luôn về đích trước hạn và đảm bảo chất lượng

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng nhận định: ‘‘Đây là kết quả tất yếu sau những nỗ lực vừa qua của ngành GTVT. Có hai điểm nhấn chính trong lĩnh vực GTVT là chúng ta đã có những dự án ODA rất lớn để xây dựng hạ tầng. Đặc biệt, ngành GTVT đã thực hiện khá tốt việc chuyển nhượng, xã hội hóa đầu tư, kể cả thu hút nguồn vốn BOT để xây dựng hạ tầng. Vì vậy, những đánh giá của WEF là khách quan, phản ánh đúng nỗ lực và thực tế tại Việt Nam”.

Theo Tiến sĩ Phong, để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Thu hút các nguồn vốn BOT, PPP, chuyển nhượng khai thác hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có sự rà soát tổng thể các quy hoạch để loại bỏ những chồng chéo, không cần thiết, bổ sung những gì còn thiếu. Đặc biệt, cần có sự thống nhất trong quy hoạch ở cấp quốc gia để khai thác tối đa hiệu quả của các công trình như: Cảng biển, nhà ga, sân bay và hạ tầng đối ngoại...

‘‘Dù chỉ số cạnh tranh được nâng lên, khoảng cách đã được rút ngắn lại với các nước khác nhưng Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ cao hơn một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines... Vì thế, cần có sự cố gắng liên tục và nỗ lực hơn nữa. Cần có sự đồng bộ, giảm chi phí đầu tư để giảm mức phí lưu thông - yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của chúng ta”, Tiến sĩ Doanh nói.

Ngày 30/9, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo về Chỉ số cạnh tranh giai đoạn 2015 - 2016 thực hiện tại 140 nước cho thấy: Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu là 56 (giai đoạn 2014 -2015 là 68). Trong đó, chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2015 - 2016 tăng 9 bậc, đứng ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 giai đoạn 2014 - 2015.

Cụ thể: Chỉ số cạnh tranh về chất lượng đường bộ giai đoạn 2015 - 2016 đứng thứ 93, tăng 11 bậc (giai đoạn 2014 - 2015 đứng thứ 104); Chất lượng đường sắt giai đoạn 2015 - 2016 đứng thứ 48, tăng 4 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 52); Chất lượng cảng đứng thứ 76, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 88); Chất lượng hàng không đứng thứ 75, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 87).

So sánh mức tăng chỉ số cạnh tranh cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam so với các nước lớn trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia,... có thể thấy chỉ số của Việt Nam tăng đột phá. Chẳng hạn, Trung Quốc và Indonesia vẫn giữ nguyên vị trí, Malaysia tăng 1 bậc; Singapore bị hạ 1 bậc. Bản báo cáo của WEF được thực hiện dựa trên 113 yếu tố khác nhau, nằm trong 7 trụ cột bao gồm: Thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục cơ bản, giáo dục bậc cao và đào tạo, hiệu quả thị trường hàng hóa, hiệu quả thị trường lao động, mức độ phát triển của thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng công nghệ, quy mô thị trường, mức độ phát triển doanh nghiệp và năng lực sáng tạo. Từ đó đánh giá mức độ thịnh vượng một quốc gia có thể đạt được.

 

hoailam

Nguồn: baogiaothong.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)