Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Thứ sáu, 02/10/2015 18:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 2/10, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác các tháng cuối năm 2015.
Phó Thủ tướng biểu dương 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT trong 9 tháng năm 2015 (tính từ ngày 16/12/2014 đến 15/9/2015), trong đó 9 địa phương giảm trên 20% là Tây Ninh, Ninh Bình, Cao Bằng, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Tiền Giang, Lào Cai và Long An.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng; Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; các đồng chí thành viên và Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia. Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ban ATGT, sở, ban, ngành liên quan tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.

Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Tại Hội nghị, thay mặt Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác bảo đảm TTATGT 9 tháng năm 2015. Theo đó, 9 tháng qua, tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được kéo giảm, vi phạm về chở hàng hoá quá tải trọng trên đường bộ đã giảm mạnh, số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT tiếp tục giảm, đặc biệt, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.

Để đạt được kết quả trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu lên một số nguyên nhân chủ yếu, đó là Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Công tác xây dụng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL tiếp tục tập trung vào các quy định khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm về TTATGT. Công tác thanh tra, kiểm tra và TTKS, xử lý vi phạm đã được tăng cường và có nhiều đổi mới; ngoài lực lượng CSGT, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường các lực lượng khác như Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã, phường tham gia công tác bảo đảm TTATGT; sự phối hợp giữa các lực lượng CSGT, TTGT đã chặt chẽ và đồng bộ hơn.

Công tác đầu tư phát triển, bảo vệ KCHTGT tiếp tục được đẩy mạnh về tiến độ; siết chặt quản lý về chi phí và chất lượng; nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác, đặc biệt là Dự án nâng cấp mở rộng QL1A và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước; Dự án nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, cầu Cổ Chiên,... đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân cả nước. Chỉ số cạnh tranh về hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đã tăng 9 bậc so với năm 2014 và tăng 30 bậc so với năm 2011 (Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới).

Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Bộ trưởng GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực UBATGTQG Đinh La Thăng trình bày Báo cáo tại Hội nghị

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế, số người chết vì TNGT chỉ giảm được 3,55% so với cùng kỳ năm 2014; còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe chở container, TNGT đường thủy, đường sắt tăng cao cả 3 tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số người chết do TNGT đường sắt tăng 40,54% và đường thủy là 30,23%; còn để xảy ra TNGT hàng hải. Đánh giá kết quả giảm số người chết vì TNGT ở các địa phương trong 9 tháng đầu năm mới có 27 địa phương giảm từ 5% trở lên còn 16 địa phương TNGT không tăng hoặc giảm dưới 5%, 20 địa phương để tăng TNGT trong đó có 5 tỉnh số người chết vì TNGT tăng trên 20% (An Giang, Gia Lai, Cà Mau, Trà Vinh, Bắc Kạn).

Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải đã giảm mạnh nhưng vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trên địa bàn các địa phương có nhiều mỏ vật liệu, còn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương, chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Còn xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm buổi chiều trên một số tuyến phố tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và có xu hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi điều kiện thời tiềt xấu.

Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Điểm cầu truyền hình trực tuyến tại Cao Bằng

Về nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đó là một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội đia. Mức đô ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục hạn chế hiệu quả của công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt là trong công tác quản lý, điều hành GTVT. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT còn chưa đạt được như mong muốn.

Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu trong công tác bảo vệ hành lang ATGT, tổ chức giao thông và cảnh báo ATGT tại các vị trí kết nối giữa đường phụ ra đường chính trên một số đoạn tuyến quốc lộ vẫn còn chưa hiệu quả; công tác tổ chức giao thông, bảo đảm ATGT của KCHTGT nông thôn, miền núi còn bất cập. Dịch vụ vận tải công cộng kết nối giữa đô thị trung tâm tỉnh với huyện lị và các cụm dân cư nông thôn cũng như trong các đô thị lớn còn han chế trong khi nhu câu vận tải hành khách và hàng hóa rât lớn, đặc biệt là có xu hướng tăng nhanh theo sự phát triển của nền kinh tế.

Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến 

Về nhiệm vụ quý IV năm 2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình TTATGT trên các đoạn tuyến QL1A và Đường HCM qua Tây Nguyên sau khi đã thông xe, đề xuất các giải pháp kéo giảm TNGT. Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các dự án Luật để Chính phủ trình Quốc hội, các văn bản QPPL liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành và địa phương tăng cường siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, thực hiện các quy định về TTATGT đối với các công trình, dự án trước khi đưa vào khai thác…

Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp bảo đảm TTATGT phục vụ Đại hội Đảng cấp Tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2 của Bộ Công an về “Tăng cường công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CAND trong tình hình mới”; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 48 ngày 12/3/2015 tăng cường TTKS và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trên đường bộ. Chỉ đạo lực lượng CSGT mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trên phạm vi toàn quốc từ nay đến cuối năm 2015; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về TTATGT đường sắt; tập trung giải quyết tình hình TNGT nơi giao cắt đường sắt và đường bộ…

Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đay mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn. Tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Điểm cầu truyền hình trực tuyến tại Hà Tĩnh

Về mục tiêu trong năm 2016, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết tiếp tục phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số vụ, số người chết, số người bị thương TNGT so với năm 2015; giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thuỷ nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải. Các địa phương giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết, số người bị thương; đối với các địa phương có số người chết TNGT năm 2015 tăng phải giảm tối thiểu 10% số vụ, số người chết, số người bị thương. Tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Chủ đề Năm ATGT 2016 dự kiến là “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban ATGT tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến đánh giá tình hình trật tự ATGT thời gian qua giảm cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn còn tồn tại một số hạn chế như vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, TNGT đường thuỷ, đường sắt tăng cao cả 3 tiêu chí. Đặc biệt, tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có nhiều mỏ vật liệu, hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương.

Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Điểm cầu truyền hình trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh

Đại diện Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã tìm nhiều giải pháp nhằm kéo giảm TNGT. Tuy nhiện, hiện nay tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên chủ yếu tập trung ở một số địa bàn trọng điểm là 3 tuyến cửa ngõ với 8 quận, huyện. Khu vực này cũng là nơi xảy ra khoảng  60% vụ TNGT. Ngoài ra, Thành phố cũng đang có 13 “điểm đen” về TNGT.

Để giải quyết tình trạng ùn ứ, đại diện Ban ATGT TP. Hồ Chí Minh nêu lên giải pháp trước mắt ở các điểm nóng sẽ tiến hành cải tạo lại kích thước hình học, lắp đặt giải phân cách giữa, phân luồng giao thông một chiều và lắp đặt thêm đèn cảnh báo. Về lâu dài muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường xe khách công cộng và di dời các cảng biển, bến xe, khu công nghiệp ra khỏi thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ kinh nghiệm của một tỉnh có số vụ TNGT giảm tốt nhất. Tây Ninh đã có nhiều biện pháp tích cực như đẩy mạnh tuyên truyền, xác định nguyên nhân xảy ra TNGT để giải quyết các tồn tại đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát. Lực lượng công an nhận nhiệm vụ trên từng tuyến đường cụ thể. Bên cạnh đó, không chờ đến kỳ, đến quý mà hàng tháng Tây Ninh tổ chức sơ kết để đánh giá và động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức cá nhân có thành tích tốt.

Biểu dương 41 tỉnh, thành phố giảm người chết vì TNGT

Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBATGTQG Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBATGTQG Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, có nhiều kết quả nổi bật trong công tác ATGT như giảm 3 tiêu chí về TNGT, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý được 25 điểm đen trong cả nước, các đoàn thể phối hợp tốt trong việc tham gia cứu chữa khi TNGT xảy ra...

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác này 9 tháng đầu năm 2015 như TNGT đường sắt, đường thủy gia tăng, vẫn còn đâu đó chuyện bảo kê, bao che cho xe quá tải. Vì thế, các địa phương, bộ ngành phải kiên quyết để xóa bỏ tai nạn này bởi chúng ta không cho phép tình trạng này trong xã hội, một vài địa phương vẫn còn TNGT tăng cao.

“Vẫn còn một số địa phương lơ là trong việc ra quân xử lý kiên quyết xử lý xe quá tải, còn tình trạng một số cán bộ, chiến sỹ thiếu trách nhiệm, còn tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc này Trung ương biết, các địa phương phải vào cuộc chấn chỉnh ngay. Do đó, cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, các lực lượng trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm giao thông, không để phương tiện quá tải phá đường xá, hạ tầng giao thông” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của các địa phương về để lại tiền xử phạt cho địa phương đầu tư trang bị phương tiện, tổng kết xây dựng các tuyến đường cao tốc để có biện pháp kéo giảm TNGT trên các tuyến đường này. Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số bộ luật về giao thông, tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, đẩy mạnh tiến độ xây dựng một số công trình giao thông.

Cùng với đó, Bộ Công an sơ kết Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư, mở các đợt cao điểm về tuần tra, kiểm soát ATGT trên toàn quốc, mở chiến dịch kiểm tra các “xe vua”, “xe logo”, xe biển kiểm soát 80B giả, qua đó xác định rõ liên quan đến người nào, cơ quan nào thì xử lý nghiêm, không có “vùng cấm” đối với công tác này. Kiểm tra các đường giao cắt, dân sinh giữa đường sắt và đường bộ để hạn chế TNGT.

Đồng thời, các bộ, ngành Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác ATGT cần rà soát lại công việc được giao để nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Các địa phương tiến hành sơ kết 5 năm công tác an toàn giao thông và Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ để có biện pháp cụ thể đối với địa phương mình. Các địa phương đều phải có chương trình an toàn giao thông nông thôn nhằm kiềm chế TNGT ở nông thôn trên địa phương mình.

Theo Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia 9 tháng năm 2015 (tính từ ngày 16/12/2014 đến 15/9/2015), toàn quốc xảy ra 16.459 vụ TNGT, làm chết 6.518 người và bị thương 14.929 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.239 vụ (-12%), giảm 240 người chết (-3,55%) và giảm 2.906 người bị thương (-16,29%). Có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% là Tây Ninh, Ninh Bình, Cao Bằng, Bạc Liêu, Đồng Nai, Hà Giang, Tiền Giang, Lào Cai, Long An. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương tăng số người chết, trong đó có 5 tỉnh tăng trên 20% là An Giang, Gia Lai, Cà Mau, Trà Vinh, Bắc Kạn.

Về ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. HCM, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo hai Thành phố, tình hình ùn tắc giao thông từ đầu năm đến nay ở cả 2 địa phương đã có nhiều cải thiện, không có vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, do phương tiện giao thông đông đúc nên tình trạng ùn ứ kéo dài vẫn diễn ra, đặc biệt tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào hai Thành phố vì phương tiện tham gia giao thông đông đúc.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)