Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Nhật tại cuộc họp thông qua báo cáo đầu kì Dự án cải tạo nâng cấp luồng cửa Trà Lý theo hình thức hơp đồng Xây dựng - Kinh doanh – Chuyển giao (BOT), sáng nay (29/10).
Tham dự có đại diện lãnh đạo các Vụ: Kế hoạch đầu tư, Kết cấu hạ tầng giao thông, Tài chính, Môi trường; Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư; Ban QLDA đường thủy; Cục Đường thủy Nội địa VN; Cục QLXD&CLCTGT; Tập đoàn Dầu khí; Tập đoàn Điện lực; Nhà đầu tư (Công ty cổ phần hạ tầng Đông Á).
Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu hoàn thiện các thủ tục,
đẩy nhanh tiến độ Dự án cải tạo nâng cấp luồng cửa Trà Lý
Tại cuộc họp, ông Đầu Khắc Cường – Giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á cho biết đây là dự án đảm bảo cho tàu pha sông biển có trọng tải 2000 DWT lưu thông đáp ứng nhu cầu vận tải than cho các nhà máy nhiệt điện Thái Bình, đồng thời góp phần phát triển hệ thống đường thủy nội địa đồng bằng Bắc Bộ phù hợp với quy hoạch. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 2.295 tỷ đồng được thực hiện trong hai giai đoạn.
Theo báo cáo của Ban QLDA đường thủy, Nhà đầu tư và Bộ GTVT đã ký thỏa thuận lập báo cáo nghiên cứu khả thi vào cuối tháng 10/2015. Hiện, Ban đã đề nghị Bộ GTVT chấp thuận đề cương, dự toán cho công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đề cương, dự toán nghiên cứu khả thi (NCKT) dự án cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thành và cung cấp số liệu phục vụ thiết kế công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; đồng thời phối hợp với Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện các công việc có kết quả nghiên cứu như: đã hoàn thành thu thập số liệu đánh giá hiện trạng các tuyến vận chuyển than đến Trung tâm điện lực Thái Bình; xử lý số liệu khảo sát, lựa chọn tàu thiết kế; nghiên cứu dòng chảy...
Biểu đồ phạm vi nghiên cứu Dự án
Trên cơ sở những ý kiến của các đơn vị, tổ chức tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật yêu cầu Ban QLDA đường thủy, nhà đầu tư tiếp thu những ý kiến, đề xuất để hoàn chỉnh lại báo cáo, nghiên cứu, tính toán kỹ mặt kỹ thuật, số liệu, thiết kế, thiết kế nạo vét, chi phí... để phân kỳ đầu tư một cách hợp lý, hài hòa đem lại lợi ích cho tất cả các bên; đồng thời nghiên cứu tiến hành làm đê ngay từ giai đoạn đầu, đây là yếu tố cần thiết để thực hiện các giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, để giảm chi phí đầu tư, nhà đầu tư phải làm việc với UBND tỉnh, huyện, các Sở, Sở KHĐT về chi phí ruộng đất gần nhất, khu công nghiệp, giải phóng mặt bằng, nạo vét duy tu ... “Cố gắng hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ công trình để đầu năm 2017 phải hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tr. B