Ngày 11/12, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan và thành viên tổ công tác nhằm triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi).
Trước đó, tại phiên làm việc ngày 25/11/2015, Quốc hội chính thức thông qua Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi). Bộ luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) sẽ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động hàng hải tại Việt Nam. Gồm 20 Chương, 341 điều, Bộ luật quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thống nhất về Chương trình xây dựng VBQPPL về hàng hải năm 2016
Để triển khai thực thi Bộ luật khi có hiệu lực, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cơ bản thống nhất về Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về hàng hải năm 2016; gồm 37 VBQPPL, trong đó 15 Nghị định Bộ GTVT trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 15 Thông tư trình Bộ trưởng GTVT ban hành và 02 Thông tư Bộ GTVT đề nghị Bộ, ngành khác ban hành; 05 Thông tư do Bộ ngành khác ban hành. Ngoài ra, có 04 Thông tư được giao tại các văn bản khác.
Cụ thể, 15 Nghị định về việc niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển và giá dịch vụ cảng; công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải; điều kiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; quy định điều kiện của cơ sở đóng mới, hoán cải và sửa chữa phục hồi tàu biển; phá dỡ tàu biển; quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện, cơ sở tuyển dụng và cung ứng thuyền viên hàng hải; điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và khai thác cảng; xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển, vùng biển Việt Nam; đăng ký và mua, bán tàu biển; xử lý hàng hóa do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển và các loại hàng hóa khác tồn đọng tại cảng biển; quản lý cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao dịch bảo đảm.
15 Thông tư trình Bộ trưởng GTVT ban hành (quy định về thủ tục cấp phép cho tàu biển nước ngoài vận tải nội địa; đào tạo, cấp, thu hồi Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và Giấy chứng nhận Vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải; tiêu chuẩn chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu của tàu biển Việt Nam, chương trình đào tạo, huấn luyện thuyền viên và cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên, việc tiếp nhận học viên thực tập trên tàu biển Việt Nam; tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải; thủ tục trình và xác nhận kháng nghị hàng hải; cách thức phân chia tiền công cứu hộ của thuyền bộ trên tàu biển Việt Nam; Giấy chứng nhận và tài liệu của tàu biển; đăng kiểm tàu biển Việt Nam; hướng dẫn Nghị định về quản lý cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển; chức danh, nhiệm vụ theo chức danh của thuyền viên và đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam; đánh giá, phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển, kế hoạch an ninh cảng biển và kế hoạch an ninh khu nước, vùng nước; quy định việc cấp giấy chứng nhận liên quan đến an ninh tàu biển, an ninh cảng biển; tổ chức và hoạt động của cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải; báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải; quy chuẩn về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, điều kiện bảo đảm lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu biển.
Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế, Cục Hàng hải Việt Nam điều chỉnh thời gian cho phù hợp; tổng hợp các đề xuất liên quan đến nội dung phân công cơ quan soạn thảo, chủ trì, phối hợp Bộ ngành ban hành để theo dõi, đôn đốc; lưu ý rà soát lại Bộ Luật Hàng hải VN sửa đổi để bổ sung các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa được đưa ra…
VH