Chiều 29/2, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo hình thức BOT và công tác cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M).
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP) cho biết, Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài 23,6km, điểm đầu giao với QL80 (sau cầu Mỹ Thuận, tiếp nối với cầu Mỹ Thuận 2), điểm cuối tại nút giao Chà Và (Km2062 + 700, QL1). Tuyến đường được thiết kế 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 6.618 tỷ đồng, trong đó công tác giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe.
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng, Phó trưởng ban Ban PPP báo cáo
về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Thay mặt Ban PPP, ông Vũ Tuấn Anh kiến nghị phương án đầu tư Dự án là thu phí đoạn tuyến thuộc Dự án trong khoảng 20 năm 11 tháng, đồng thời nhà nước hỗ trợ thông qua sử dụng quyền thu phí đoạn cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương khoảng 4 năm 11 tháng, bắt đầu từ năm 2030, ngay khi kết thúc thu phí hỗ trợ hoàn vốn đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, hiện nay, đã có 10 đơn vị đăng ký làm nhà đầu tư của Dự án gồm: Liên danh Phát Đạt - Công ty 620 - Công ty 168, Liên danh SOVICO - IMICO - PACIFIC - CIENCO5, Liên danh Thái Sơn - Yên Khánh - CIENCO1, Liên danh FECON - COTECCONS, Tổng công ty Cửu Long, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và năng lượng,…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Dự án phải khởi công vào cuối Quý II/2016. Thứ trưởng yêu cầu Ban PPP phải khẩn trương xây dựng các tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư cho Dự án BOT để loại bỏ ngay từ đầu các nhà đầu tư yếu kém, không đáp ứng được năng lực.
Thứ trưởng yêu cầu Nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng ba tiêu chí. Đầu tiên là vốn chủ sở hữu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khẳng định phải đảm bảo 20% tổng mức đầu tư của Dự án. Thứ hai, Nhà đầu tư phải có cam kết của ngân hàng tài trợ tín dụng. Thứ ba, Nhà đầu tư được lựa chọn phải là những đơn vị đã tham gia các công trình giao thông tương tự. Đơn vị nào không đáp ứng được yêu cầu phải loại bỏ ngay từ đầu.
Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa VEC O&M
Về công tác cổ phần hóa VEC O&M, Thứ trưởng yêu cầu Hội đồng thành viên VEC, VEC O&M thực hiện theo đúng quy định và tiến độ đã đề ra, trong đó việc xác định giá trị doanh nghiệp VEC O&M theo Quyết định số 4625/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2015 của Bộ GTVT; phương án cơ cấu vốn điều lệ phải đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi cổ phần hóa; phương án vốn điều lệ phải đảm bảo nguồn vốn lưu động, đồng thời tăng sức cạnh tranh sau khi cổ phần hóa.
Hiện tại VEC O&M đã nhận được hai Nhà đầu tư chiến lược
Theo báo cáo của VEC O&M về tiến độ cổ phần hóa, đến nay Công ty đã phổ biến toàn bộ nội dung về quyền lợi, trách nhiệm của người lao động trong quá trình cổ phần hóa; dự thảo phương án cổ phần hóa và điều lệ của Công ty cổ phần; cùng với đó, tổ chức Đại hội công nhân viên bất thường để lấy ý kiến; tổng hợp danh sách CBCNV đăng ký mua cổ phần theo ưu đãi và diện cam kết; đồng thời xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược...
Về giá trị doanh nghiệp và phương án cơ cấu vốn điều lệ của VEC O&M, giá trị thực tế của doanh nghiệp là hơn 32 tỷ đồng, giá trị thực tế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 8,7 tỷ đồng. Hai phương án đề xuất cơ cấu vốn điều lệ VEC nắm giữ là 51% và 75% tổng số vốn điều lệ, phần còn lại bán ưu đãi cho CBCNV, bán đấu giá công khai và bán cho cổ đông chiến lược.
Để đảm bảo nguồn vốn lưu động, đồng thời tăng sức cạnh tranh sau khi cổ phần hóa VEC O&M cần phải đầu tư các thiết bị, do đó với cơ cấu vốn điều lệ đề xuất VEC nắm giữ 51% tổng số vốn. Hiện HĐTV VEC, VEC O&M đang xin ý kiến Bộ GTVT về phương án vốn điều lệ, để đưa ra phương án giá trị vốn điều lệ của VEC O&M sau khi cổ phần hóa.
Xuân Nguyên