Ngày 20/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và Đoàn công tác của Bộ GTVT đã có mặt tại tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng xử lý và khắc phục hậu quả sự cố cầu Ghềnh.
Về phía Ủy ban ATGT Quốc gia, đồng chí Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã có mặt tại hiện trường sự cố cầu Ghềnh để cùng Đoàn công tác của Bộ GTVT, địa phương chỉ đạo xử lý và khắc phục sự cố.
Cầu Ghềnh bị sà lan húc sập 2 nhịp cầu 2 và 3.
Triển khai kịp thời công tác chỉ đạo, khắc phục sự cố cầu Ghềnh
Như tin đã đưa, vào lúc 11 giờ 35 phút trưa ngày 20/03/2016, tàu kéo sà lan (sà lan chở cát mang số hiệu SG- 5984, đầu máy SG-3745) từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại Km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu.
Vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1. Vụ tai nạn đã khiến sà lan bị lật úp trên sông. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh.
Đoàn công tác của Bộ GTVT làm vệc với Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố cầu Ghềnh, chiều 20/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, các Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật và Đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến hiện trường phối hợp cùng Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai để chỉ đạo các lưc lượng xử lý và khắc phục hậu quả.
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, cùng các ban, ngành liên quan của tỉnh để tìm giải pháp khắc phục sự cố xảy ra, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Bộ chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Ghềnh. Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm Tổ trưởng, trực tiếp đến hiện trường sự cố để xác định nguyên nhân; sơ bộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu Ghềnh và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (bên phải) và
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh (bên trái) kiểm tra tại ga Biên Hòa
Một trong những công việc cấp bách được Lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai đề ra là phải lập phương án để phân luồng giao thông đường thủy, các phương tiện giao thông đường thủy qua khu vực này phải có đèn báo hiệu. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đối với hệ thống chạy tàu sẽ phải bố trí lại toàn bộ hành trình, tìm mọi cách giải tỏa nhanh hành khách tại các ga bị dồn ứ. Những trường hợp không giải tỏa kịp thì phải bố trí chỗ ăn, ở đảm bảo an toàn. Tại các điểm giao thông bị ách tắc bởi sự cố, lực lượng công an cũng cần phải bố trí hợp lý.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết đã yêu cầu ngành Đường sắt Việt Nam tổ chức lại giao thông, bởi ga đầu và cuối trong hành trình Bắc - Nam hiện nay là Ga Biên Hòa. Trong ngày xảy ra sự cố do không chủ động được nên cần tổ chức xe ô tô để vận chuyển hành khách kịp thời. Bắt đầu từ ngày 21/3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức điều độ lại việc chạy tàu và có kế hoạch cụ thể để tăng cường lực lượng cho Ga Biên Hòa.
Theo đồng chí Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ngay sau khi sự cố xảy ra, tỉnh Đồng Nai đã có chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Đường sắt Việt Nam để vận chuyển hành khách từ Ga Biên Hòa, riêng hàng hóa thì sẽ trung chuyển từ ga Hố Nai. Vấn đề tỉnh quan tâm nhất là đảm bảo giao thông quanh khu vực ga Biên Hòa, bởi lượng hành khách và hàng hóa là rất lớn.
Ga Biên Hòa tiếp và chuyển khách sau vụ sập cầu Ghềnh
Ảnh: Hành khách xuống ga Biên Hòa lúc 15g15 phút ngày 20/3.
Tiếp tục khẩn trương khắc phục sự cố và điều tra nguyên nhân sập cầu Ghềnh
Đồng chí Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài việc tỉnh Đồng Nai tập trung tổ chức tốt giao thông, tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ các đơn vị để thực hiện trục vớt sà lan, các nhịp cầu bị đổ cũng như công tác thi công cầu sau này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, riêng việc trục vớt sà lan cũng cần phải thực hiện khẩn trương, vì nếu để lâu sẽ xảy ra tỉnh trạng sà lan trôi dạt, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy. Đối với hệ thống điện, nước và cáp viễn thông, đã được khắc phục kịp thời, tránh những thiệt hại do sự cố gây ra.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu trong hai ngày tới phải giải tỏa xong sà lan để không trôi, va đập gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng phối hợp với đơn vị khảo sát tiến hành trục vớt dầm cầu đã bị gãy. “Bộ sẽ cử một đồng chí cán bộ Đường sắt Việt Nam theo dõi sát sao việc trục vớt để đưa ra phương án sửa chữa” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.
Thứ trưởng yêu cầu trong việc khắc phục phải giao ngay cho đơn vị tư vấn để đánh giá phương án trục vớt sà lan, tàu đẩy và nhịp cầu bị sập. Đặc biệt, cần đánh giá lại các trụ cầu xem còn dùng được hay không, lên phương án và chỉ định đơn vị thi công với mục tiêu phải khắc phục sự cố nhanh nhất.
Cơ quan chức năng của Bộ GTVT sẽ thẩm định, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên phương án trục vớt và tìm giải pháp khắc phục sự cố này. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, từ nay đến khi trục vớt và xử lý xong vụ việc, cần phải phải thường xuyên cập nhật thông tin mỗi ngày để chỉ đạo kịp thời.
X. Nguyên
(Ảnh Báo Đồng Nai)