Ngày 18/3, đoàn công tác của Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công dẫn đầu đã có buổi làm làm việc với UBND thành phố nhằm lấy ý kiến góp ý để rà soát, cập nhật Điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung bộ (nhóm 3) đến năm 2020 và định hướng đến 2030, trong đó có cảng biển Đà Nẵng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Nhóm 3 được quy hoạch gồm 6 cảng biển là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kỳ Hà và Dung Quất; trong đó Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) gồm các khu bến là Cảng Tiên Sa, Cảng Sơn Trà (Thọ Quang) và Cảng Liên Chiểu. Theo báo cáo cuối kỳ của phương án điều chỉnh quy hoạch cảng biển Đà Nẵng do đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn Xây dựng Công trình Hàng hải (CMB) đề xuất tại cuộc họp, đến năm 2020, thành phố nên ưu tiên cải tạo, nâng cấp tuyến luồng đoạn Tiên Sa để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000DWT, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU và tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GRT; đầu tư xây dựng Cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) theo đúng tiến độ để nâng tổng năng lực hàng hoá thông qua cảng đạt 8-10 triệu tấn/năm; tiếp tục đầu tư xây dựng Cảng Sơn Trà (giai đoạn 2) để có thể tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000-20.000DWT; đồng thời xây dựng ICD Đà Nẵng (cảng khô, cảng cạn) để hỗ trợ cho cảng biển khu vực Đà Nẵng và Chân Mây. Đối với Cảng Liên Chiều, từ đây đến 2020 đảm nhận chức năng chính là chuyên dùng cho hàng rời, hàng lỏng phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại đây. Về lâu dài (sau năm 2020), sẽ từng bước phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (nếu có điều kiện), tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000 TEU và tương lai có thể hỗ trợ khi Cảng Tiên Sa phát triển hết công suất.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, UBND thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất với báo cáo cuối kỳ và dự báo hàng hoá do đơn vị tư vấn lập, theo đó đến 2020 hàng hoá qua cảng Đà Nẵng dự kiến đạt 11-12 triệu tấn. Tuy nhiên, con số dự báo từ 28-29 triệu tấn hàng đến năm 2030 thì đề nghị đơn vị tư vấn cần cân nhắc vì còn có khả năng tăng thêm. Đối với con số dự báo lượng hành khách quốc tế qua Cảng Đà Nẵng là 120.000 lượt vào năm 2020 và 127.000 lượt vào năm 2030 mà tư vấn đưa ra, ông cho rằng con số này còn khá khiêm tốn và đề nghị tư vấn cân nhắc kịch bản 2 là 215.000 khách vào năm 2020 và 250.000 khách vào năm 2030. Ông cũng cho hay thành phố đã làm việc với Hải quân Vùng 3, theo đó cầu cảng sẽ được nối dài để tăng từ 210m hiện nay lên đến 350m và tàu du lịch cỡ lớn có thể cập cảng, do vậy lượng khách quốc tế đến thành phố có thể tăng lên nhiều. Ông cũng thống nhất công suất tối đa của Cảng Tiên Sa chỉ nên dừng lại ở 10-11 triệu tấn, vì nếu vượt quá con số này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao thông khu vực nội đô, dễ gây TNGT và làm mất mỹ quan thành phố. Liên quan đến Cảng Liên Chiểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết quan điểm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vẫn nhất quán từ trước đến nay là cần thiết phải đầu tư do thuận lợi về độ sâu, dễ kết nối giao thông cả về đường sắt lẫn đường bộ, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác tuyến Hành lanh Kinh tế Đông Tây 2 sau này. Do vậy, đề nghị Bộ GTVT ủng hộ về mặt chủ trương và đưa vào quy hoạch, đồng thời xem xét cho sớm triển khai để dự án có thể bắt đầu khởi công vào năm 2020 và đưa vào sử dụng vào năm 2025 khi Cảng Tiên Sa đã hết công suất.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cơ bản đồng ý với với đề xuất của thành phố sẽ cập nhật thông tin của dự án Cảng Liên Chiểu vào quy hoạch điều chỉnh. Ông cũng đồng tình với ý kiến đóng góp của các đơn vị tại cuộc họp là việc đầu tư Cảng Liên Chiểu tuy có hạn chế là phải tốn kém kinh phí lớn để xây dựng đê chắn sóng ( vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng), nhưng cần thiết phải đầu tư để giảm tải cho Cảng Tiên Sa.
Thứ trưởng yêu cầu các sở ngành của thành phố phải tính toán quy hoạch kỹ công tác giải phóng mặt bằng và đê chắn sóng với kinh phí kinh phí tối thiểu nhất, trong đó khu dành cho hàng lỏng, xăng dầu và khu dành cho hàng tổng hợp phải được tách bạch ra, tránh đan xen lẫn nhau; đồng thời đề nghị thành phố tính toán lại quỹ đất và có chủ trương giữ lại các khu đất với vị trí kết nối giao thông thuận lợi, nằm không cách xa khu vực cảng nhằm phục vụ khai thác hậu cần cảng sau này.