Sáng 21/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Cuộc họp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án có tầm quan trọng đặc biệt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, các Thứ trưởng Bộ GTVT, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ GTVT, các thành viên Ban Chỉ đạo đã quyết liệt, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Trong thời gian qua, năng lực giao thông vận tải ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, tạo ra động lực cho phát triển. Các dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả tích cực”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình đầu tư các công trình, dự án trọng điểm của ngành Giao thông cần được khắc phục. Một số dự án chưa thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh, phát sinh trong quá trình triển khai. Chất lượng, năng lực của nhà thầu còn hạn chế, đặc biệt là các nhà thầu trong nước. Công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, chậm triển khai công trình gây thất thoát vô hình lớn. Thủ tục hành chính để liên thông, phối hợp với các bộ, ngành địa phương còn nhiều hạn chế.
Chia sẻ với ngành GTVT về khó khăn trong bố trí vốn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần sớm tạo cơ chế mới, hấp dẫn hơn nữa để huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng GTVT. “Các bộ cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc xã hội hoá, xây dựng cơ chế để hấp dẫn nhà đầu tư nhằm phát triển các công trình hạ tầng giao thông”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư,
các ban quản lý công trình trọng điểm thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý công trình trọng điểm thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm chi phí đầu tư, trong đó yêu cầu lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thi công hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm soát đấu thầu, kiểm soát giá, định mức xây dựng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành GTVT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan, đặc biệt là các địa phương để kịp thời giải quyết cơ chế, chính sách, giám sát quản lý tiến độ, chất lượng công trình, tiến độ GPMB.
“Bộ GTVT cần tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, khảo sát thiết kế, thi công để đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí trong triển khai các dự án”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ GTVT sớm nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù để triển khai các dự án trọng điểm giao thông, đối với những dự án đang triển khai, các dự án sắp triển khai. Bộ GTVT cũng được yêu cầu chủ động đề xuất các dự án mới; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về các doanh nghiệp BOT phát triển hạ tầng giao thông; tập trung xã hội hoá, xây dựng cơ chế để cùng các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư, nâng cao năng lực nhà thầu; rà soát lại toàn bộ tiến độ của các dự án trọng điểm để có kế hoạch chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng cần tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục đầu tư, sớm tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ KH&ĐT tổng hợp nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án công trình giao thông, đặc biệt là các dự án ODA, từ đó, trên cơ sở khả năng bố trí của ngân sách để có kế hoạch huy động thêm nguồn lực ngoài xã hội. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính giải quyết những vướng mắc trong công tác giải ngân, công tác tạm ứng hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án ODA, tăng cường công tác kiểm soát vốn đầu tư.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo có báo cáo cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở từng công trình, dự án cụ thể.
Hiện tại, cả nước có 37 công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT với tổng mức đầu tư khoảng 1.090.000 tỷ đồng.
Trong đó, đường bộ có 23 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 498.080 tỷ đồng. 12 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao. Chẳng hạn, các dự án cao tốc TPHCM-Trung Lương, Cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội, đường Láng-Hoà Lạc, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình… đều được đưa vào vận hành, khai thác, phát huy tốt hiệu quả. Các dự án đường bộ hiện đang triển khai thực hiện có tổng mức đầu tư khoảng 255.778 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với các đại biểu dự họp.
Vẫn chậm do vướng vốn, GPMB
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện khó khăn lớn nhất là vốn và GPMB. Đây thực chất là hai mặt của vấn đề, vì phần lớn các dự án giao thông trọng điểm có sử dụng vốn vay, do đó việc bố trí không đủ vốn đối ứng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB nói riêng, tiến độ chung của cả dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, toàn ngành GTVT hiện đang thiếu khoảng 12.000 tỷ đồng vốn đối ứng cho các dự án. Ông Nguyễn Hồng Trường kiến nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu một cơ chế đặc biệt để GPMB các dự án giao thông chứ “không thể giống như các dự án xây dựng trung tâm thương mại hay những công trình khác được”.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nêu ý kiến cho rằng, nên chọn công tác GPMB là khâu đột phá, tạo ra sự khác biệt của từng địa phương. “Quản lý GPMB không tốt, chậm tiến độ sẽ gây ra lãng phí rất lớn”, ông Nghĩa phân tích.
Trước những khó khăn, vướng mắc về vốn của các dự án công trình giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, GTVT sớm bàn bạc, tìm các cơ chế phù hợp để giải quyết vốn cho các dự án giao thông trọng điểm nói riêng, các dự án xây dựng, phát triển hạ tầng GTVT nói chung.
Về phía các địa phương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần thực sự quan tâm đến công tác GPMB, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương mình trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.