Từ nay đến hết năm, các ban, bộ, ngành Trung ương, cũng như 63 tỉnh, thành phố tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp trong kế hoạch Năm ATGT 2016 với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Chiều 28/6, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm ATGT 6 tháng đầu năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa; Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng các đồng chí là Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc giaTrương Hòa Bình chủ trì Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Tình hình trật tự ATGT trên phạm vi cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được kéo giảm; tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương.
Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trong kế hoạch Năm ATGT 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, chưa đạt mục tiêu về tỉ lệ giảm số người chết vì TNGT; số người chết vì TNGT trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2015; còn để xảy một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, điển hình là 2 vụ tai nạn xe khách tại Bình Thuận (ngày 22/5) và Lâm Đồng (ngày 4/6/) làm 20 người chết và hàng chục người bị thương.
Vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như các vụ tai nạn cầu An Thái tại Hải Dương, cầu Ghềnh tại Đồng Nai, lật tầu khách du lịch Thảo Vân 2 tại Đà Nẵng; xảy ra sự cố uy hiếp an toàn hàng không mức B tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Chưa xử lý dứt điểm hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ. Còn để xảy ra tình trạng phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Hiện tượng bảo kê uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh còn tồn tại và diễn biến phức tạp trên một số tuyến vận tải hành khách bằng ô tô; tái diễn hiện tượng ném đá lên ô tô, hiện tượng rải đinh và vật sắc nhọn trên một số tuyến đường bộ...
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Phó Thủ tướng chỉ rõ, do thiếu sự quyết liệt của người đứng đầu, công tác tham mưu chưa tốt trong việc tăng cường công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện giao thông thiếu tinh thần trách nhiệm, không quản lý lực lượng lái xe nghiêm ngặt nên để xảy ra việc sử dụng ma túy; một số chủ phương tiện vì chạy theo lợi nhuận, buộc lái xe quay vòng nhanh, gây sức ép cho lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông.
Một bộ phận cán bộ thực thi công vụ không giữ được phẩm chất đạo đức như trong đăng kiểm phương tiện, cấp giấy phép lái xe, người xử lý vi phạm cũng sai phạm... dẫn đến bức xúc trong nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2016, Phó Thủ tướng chỉ rõ: Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATGT trong Kế hoạch 594 triển khai Năm ATGT 2016 và Công điện 1095 ngày 24/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT quý III năm 2016.
Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020 đáp ứng với yêu cầu của công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới.
Tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy nội địa, nhất là hoạt động vận tải hành khách.
Xử lý dứt điểm tình trạng chở hàng quá tải trọng quy định đối với ô tô và phương tiện thủy.
Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 530 của Ủy ban ATGT quốc gia về tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2015-2020.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành ở Trung ương và địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm trật tự ATGT và nâng cao chất lượng công tác báo cáo, thống kê, phân tích nguyên nhân TNGT.
Tiếp tục triển khai xử lý dứt điểm các điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT trên đường bộ trong năm 2015 và đầu năm 2016; lập các đề án, dự án về tăng cường ATGT của kết cấu hạ tầng đường bộ giai đoạn 2016-2020.
Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tăng cường công tác quản lý, tham mưu và tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp nhằm tiếp tục kéo giảm TNGT trong thời gian tới.
Báo cáo của Ủy ban ATGT cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 10 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Lai Châu, An Giang, Trà Vinh, Nam Định, Cần Thơ, Quảng Trị, Tuyên Quang, Yên Bái, Đà Nẵng, Gia Lai. Đặc biệt, các tỉnh Lai Châu, An Giang và Trà Vinh đã giảm trên 30% số người chết do TNGT