Ngày 29/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã ký Quyết định số 2027/QĐ-BGTVT ban hành Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo Quyết định, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 nhằm cụ thể hoá những nhiệm vụ và định hướng cơ bản liên quan đến ngành giao thông vận tải đã được xác định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP; trong đó xác định các mục tiêu sau:
Thứ nhất, thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu đã được phê duyệt tại Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo định hướng bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành thông qua việc củng cố, phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, huyết mạch của ngành giao thông vận tải trong lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường sắt, công nghiệp đóng tàu; tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành.
Bộ GTVT luôn đi đầu trong công tác cổ phần hóa doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Thứ tư, đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường, tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển.
Thứ năm, rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hợp lý nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển; kiểm soát việc thu của các hãng tàu theo quy định của pháp luật, bảo đảm việc thu công khai minh bạch, hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chương trình nêu cụ thể 06 nhóm giải pháp gồm: Giải pháp về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Giải pháp về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014; Giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành; Giải pháp về đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ đến năm 2020; Giải pháp về rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hợp lý nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Giải pháp về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển.
Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ phân công trong Chương trình để xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm đạt được yêu cầu về chất lượng, tiến độ thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP; định kỳ hàng quý và cuối năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện (qua Vụ Quản lý doanh nghiệp) trước ngày 10 tháng cuối quý và trước ngày 10/12 năm báo cáo để tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.
Toàn văn Quyết định và Chương trình hành động xem Tại đây!