Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp về điều chỉnh mức phí và lộ trình thực hiện đối với các dự án BOT

Thứ năm, 11/08/2016 16:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 11/8, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp về điều chỉnh mức phí và lộ trình thực hiện đối với các dự án BOT. Tham dự cuộc họp có đại diện các Vụ, Cục, các Ban QLDA, các Tổng công ty, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết ngày 02/8/2016, theo Công văn số 6370/VPCP-KTTH về điều chỉnh phí đường bộ, phí các dự án BOT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có kiến như sau: Thứ nhất, về nguyên tắc, việc đầu tư, mức phí, thời gian thu phí của các dự án BOT phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các quy định của pháp luật về giá, phí; bảo đảm công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, Phó Thủ tướng đồng ý phương án, giải pháp và lộ trình thực hiện việc giảm phí đường bộ như đề xuất của Bộ Tài chính tại Công văn số 8302/BTC-CST.

Thứ ba, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ GTVT rà soát các dự án BOT đã ký kết để đàm phán, thống nhất với các nhà đầu tư về việc điều chỉnh mức phí, lộ trình thực hiện đối với từng dự án BOT; trên cơ sở đó đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành thông tư điều chỉnh mức phí phù hợp. Thông tư này được ban hành và có hiệu lực ngay, thực hiện vào ngày đầu tháng, đầu quý, bảo đảm thuận tiện cho việc sử dụng vé tháng, vé quý đã mua.

Đại điện Vụ Tài chính phát biểu tại cuộc họp

Cụ thể theo Văn bản số 8302/BTC-CST của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký ngày 20/6/2016, Bộ Tài chính đề nghị có thể xem xét điều chỉnh mức phí đối với các dự án: Có tổng mức đầu tư giảm so với phương án duyệt do một số dự án rút ngắn tiến độ, không sử dụng hoặc sử dụng không hết chi phí dự phòng, lãi vay trong thời gian xây dựng giảm so với phương án phê duyệt… dẫn đến tổng mức đầu tư thực tế giảm so với ban đầu được phê duyệt.

Về lộ trình tăng phí, theo đề xuất của Bộ Tài chính, đề nghị tạm dừng không tăng phí trong năm 2016 với các trạm thu phí hoạt động trước năm 2014, không bổ sung dự án mới, nhưng có lộ trình tăng phí trong năm nay. Với các trạm hoạt động trước năm 2014, nhà đầu tư thực hiện đầu tư thêm dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, kéo dài phạm vi dự án tại hợp đồng BOT đã cam kết mức thu phí cao hơn mức đang thu thì cho phép điều chỉnh mức thu, vì bản chất là các dự án mới vẫn sử dụng và kết hợp trạm thu phí cũ. Nếu mức thu phí cao hơn mức thu dự kiến điều chỉnh giảm thì Bộ GTVT làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí theo nguyên tắc trên. Đối với trạm thu phí thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh ban hành mức thu phí, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh rà soát không tăng phí trong năm 2016, đồng thời thực hiện giảm phí theo những nguyên tắc trên, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh mức phí theo thẩm quyền. Đối với dự án sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu phí thì tiếp tục ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn dự án. Nếu mức thu phí theo hợp đồng BOT cao hơn mức thu được điều chỉnh thì Bộ GTVT làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 10-15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) của các trạm (29 trạm) có mức thu tối đa khung tại Thông tư 159. Đồng thời, đề xuất giảm 10-20% mức phí đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), nhóm 2 (xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của 5 trạm có mức thu phí cao nhất nói trên để bảo đảm tương đồng với các trạm thu phí khác.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Văn bản 6370 của Văn phòng Chính phủ là văn bản pháp lý yêu cầu các chủ đầu tư, các Ban QLDA tổ chức thực hiện để giảm phí BOT trong thời gian tới. Tuy vậy, việc giảm phí BOT gây ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư (NĐT), ảnh hưởng đến hoàn vốn đồng thời gây nên xáo trộn trong hoạt động của NĐT. Với mục tiêu đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi cho các NĐT BOT để tổ chức thực hiện điều chỉnh mức phí theo văn bản của Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, là cơ sở pháp lý cho các Ban QLDA thay mặt Bộ đàm phán với NĐT.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới các vấn đề cụ thể, yêu cầu các đơn vị phát biểu về mức phí điều chỉnh, việc tính toán lại phương án tài chính đảm bảo chính xác và kịp thời. Đồng thời, việc có áp dụng đồng đều cho tất cả các trạm thu phí theo 1 mức hay không, thời điểm thực hiện các nội dung để triển khai kịp thời theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng được Thứ trưởng đề cập.

Tại cuộc họp, đại diện Ban QLDA 7 là Ban thực hiện 11 dự án BOT cho biết Ban sẽ làm việc với NĐT, quyết toán thực hiện, cố gắng hoàn thành mức điều chỉnh nêu trên. Đại điện Ban QLDQ 1 cũng cho biết sẽ thống nhất với NĐT, tùy tình hình của từng dự án, sẽ có báo cáo phương án giảm phí cụ thể.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định Bộ GTVT đồng tình với đề nghị của Bộ Tài chính, đồng thời đề ra cách giải quyết đúng quy trình và nhanh nhất. Bộ GTVT sẽ có văn bản chỉ đạo các NĐT, các Ban QLDA nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong văn bản số 6370 về việc giảm phí đường bộ tại các trạm BOT. Nội dung cơ bản gồm: Về mức giảm, Bộ GTVT đồng tình với BTC giảm 15% đối với nhóm 1-2 và giảm 20% đối với nhóm 4-5. Để thống nhất thực hiện trong cả nước, Thứ trưởng đề nghị đưa nhóm 1-2 về mức 35.000 đồng đối với mỗi xe đồng thời giảm 20.000 đồng cho mỗi xe nhóm 4-5.

Bộ GTVT sẽ có văn bản thống nhất với BTC theo tinh thần yêu cầu giảm phí ngay, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư theo hướng rút gọn, chậm nhất có hiệu lực từ ngày 1-15/9/2016. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính thực hiện các quy định trong Thông tư này đối với các Trạm thu phí mới.

Trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT về ban hành Thông tư, Bộ GTVT giao ban PPP và các Ban QLDA, tiến hành điều chỉnh hợp đồng đối với phương án tài chính của các dự án BOT. Thứ trưởng cũng yêu cầu các NĐT BOT tiến hành triển khai việc thay đổi phần mềm, vé khi điều chỉnh mức phí, phục vụ kịp thời, không ảnh hưởng đến quá trình thu phí.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đề nghị Vụ Tài chính thực hiện đúng các quy định của Bộ GTVT về quyết toán các dựa án BOT theo tiến độ đã được phê duyệt. Từ đó, kiến nghị đề xuất với Chính phủ về phương án thu phí đối với từng dự án cụ thể./.

KC

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)