Đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các tỉnh duyên hải miền Trung-Tây Nguyên

Thứ hai, 29/08/2016 11:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các tỉnh duyên hải miền Trung-Tây Nguyên thống nhất tiếp tục liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá khu vực và liên vận, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị.

Chiều 27/8, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội nghị giao ban các Sở GTVT các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 9.

Diện mạo mới từ hạ tầng giao thông

Đánh giá hoạt động GTVT khu vực giai đoạn 2011-2015, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư và có sự phát triển vượt bậc, tạo diện mạo mới cho khu vực.

Cụ thể, nhiều công trình đường bộ quan trọng thiết yếu đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 19, quốc lộ 20, đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh, hầm đường bộ đèo Cả…

Đến cuối năm 2015, tổng chiều dài đường bộ trong khu vực là 57.282 km. Trong đó, quốc lộ có chiều dài 4.631 km, đường tỉnh 4.420 km, đường huyện 9.644 km, đường đô thị 3.248 km. Mật độ đường so với diện tích là 0,63 km/km2 (cả nước là 0,88 km/km2) và so dân số là 4,26 km/1.000 dân (cả nước là 3,26 km/1.000 dân).

Mạng lưới giao thông đường bộ các tỉnh, thành phố được xây dựng tương đối đồng bộ, kết nối thông suốt trong nội bộ tỉnh, thành phố, kết nối giao thông khu vực và quốc gia. Giao thông đô thị không ngừng phát triển, nhiều trục đường chính của các thành phố, thị trấn, thị xã được đầu tư hoàn thiện theo hướng hiện đại. Giao thông nông thôn phát triển nhanh, 100% số xã đã có đường giao thông được bê tông hóa đến trung tâm xã, bảo đảm giao thông thuận tiện trong mùa mưa.

Hệ thống cảng biển trong khu vực hiện có 8 cảng với 4 cảng loại 1 và 4 cảng loại 2, được tập trung đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải.

Về hàng không, hiện có 8 sân bay đang hoạt động, gồm 3 sân bay quốc tế và 5 sân bay nội địa. Các cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh và các sân bay Tuy Hoà, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương đã được đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay và nhà ga hành khách; tăng tần suất các chuyến bay, phát triển nhiều đường bay đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong nội bộ khu vực.

Phối hợp chặt chẽ trong quy hoạch

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh cũng thừa nhận ngành GTVT khu vực đứng trước một số thách thức lớn như hệ thống GTVT khu vực tuy có đầy đủ các phương thức vận tải nhưng chưa đồng bộ, thiếu tính đa dạng. Hiện chưa có tuyến đường sắt đi Tây Nguyên và chỉ mới có đường bộ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi nên chưa phát huy được nhiều lợi thế.

Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành GTVT khu vực đó là cùng nhau phối hợp tìm kiếm cơ chế đầu tư và tạo bước đột phá trong xúc tiến đầu tư, ưu tiên triển khai các công trình chính: xây dựng đường Đà Nẵng-Quảng Ngãi-Quy Nhơn-Tuy Hoà-Nha Trang trên cơ sở tuyến cao tốc đường bộ Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Nâng cấp các đường thuộc hành lang Đông-Tây bao gồm các quốc lộ 14B, 14D, 14E, 19, 24, 25, 26 nhằm kết nối các cảng biển duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên và các cửa khẩu quốc tế Đak Tà Ót (Quảng Nam), Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Pleiku), Đak Peur (Đak Nông).

Các Sở cũng đã có kiến nghị sớm triển khai xây dựng tuyến đường sắt chạy dọc Tây Nguyên, trước mắt triển khai nghiên cứu, xây dựng đường sắt tuyến Đắk Nông-Chơn Thành và tuyến Tuy Hòa-Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, chỉ ra điểm yếu của ngành GTVT khu vực đó là tính liên kết tổ chức vận tải, phát triển cảng biển, logistics còn nhiều yếu kém. Tuy hệ thống cảng biển của duyên hải miền Trung thừa khả năng đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hoá nhưng đường bộ vẫn phải “oằn mình” chịu đựng quá tải.

Để giải quyết vấn đề này, các Sở GTVT đã thống nhất nghiên cứu phát triển thêm các tuyến hàng hải nội địa để đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, góp phần giảm áp lực vận chuyển đường bộ. Trong giai đoạn tiếp theo, ngành GTVT miền Trung sẽ tiến tới triển khai và hoàn thiện một số dự án quan trọng như dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, cảng Bãi gốc; đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng); nâng cấp cảng Vũng Rô (Phú Yên); cải tạo nâng cấp cảng Ninh Chữ (Ninh Thuận) thành cảng hàng hoá tiếp nhận tàu có trọng tải từ 1.000 tấn trở lên…

Về đường hàng không, theo quy hoạch đến năm 2020, các cảng hàng không quốc tế sẽ được nâng cấp với công suất khai thác như Đà Nẵng lên 11-13 triệu khách/năm; Cam Ranh 5,5 triệu khách/năm. Ngoài ra, cảng hàng không Liên Khương sẽ được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế với công suất 1,23 triệu khách/năm; tiếp tục đầu tư nâng cấp kỹ thuật; mở rộng các cảng hàng không Phù Cát, Tuy Hoà… nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa.

“Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, thành phố trong khu vực. Khi lập quy hoạch GTVT của địa phương, cần có sự tham vấn các tỉnh, thành phố lân cận để có phương án quy hoạch phát triển hợp lý, thống nhất vị trí, quy mô kết nối để bảo đảm hiệu quả chung của toàn khu vực”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.

hoavt

Nguồn: chinhphu.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)