Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả cao. Tuy nhiên, do đặc thù xây dựng công trình giao thông thường phải sử dụng các thiết bị thi công tải trọng lớn, tạo rung chấn, sức ép…nên trong quá trình thi công không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng tới các công trình xây dựng hiện có, đặc biệt đối với các hộ dân hai bên đường (ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng) tại khu vực đông dân cư bị lún, nứt. Thực trạng này cần phải nghiên cứu để có chính sách hợp lý bồi thường, hỗ trợ người dân.
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, Bộ GTVT coi việc đền bù cho các hộ dân thuộc đối tượng này là một việc quan trọng, cần phải làm ngay. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã có kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí GPMB của Dự án để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng; đồng thời cũng kiến nghị các Bộ Tài chính và Xây dựng sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2015 về quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT xin chuyển đến quý độc giả nội dung trao đổi này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
P/V: Thưa Thứ trưởng, hai Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã được đưa vào khai thác hơn một năm nay, đã phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại các địa phương đi qua. Tuy nhiên, công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn nhiều tồn tại, vậy đâu là nguyên nhân chính?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Ngay từ khi triển khai các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA (đại diện chủ đầu tư), nhà đầu tư BOT, đơn vị tư vấn tính toán một cách đầy đủ, đồng bộ các vấn đề ảnh hưởng đến người dân trong công tác GPMB, tái định cư và rung nứt nhà trong quá trình triển khai thi công. Cụ thể, công tác GPMB và tái định cư được tách thành các tiểu dự án và giao cho địa phương thực hiện. Các ban QLDA có nhiệm vụ chuyển kinh phí cho địa phương để chi trả tiền bồi thường cho người dân.
Đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh các vướng mắc liên quan đến công tác xác định nguồn gốc đất và đơn giá đền bù, dẫn tới tình trạng người dân khiếu kiện, khiếu nại ở một số địa phương. Riêng công tác tái định cư, theo quy định, các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm xây dựng các khu tái định cư. Thế nhưng, đây là hai dự án được triển khai khẩn trương nên Chính phủ đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí GPMB để giải quyết việc xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND các địa phương cơ bản giải quyết xong công tác đề bù mặt bằng, tái định cư theo đúng quy định của pháp luật.
Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là công tác quyết toán kinh phí GPMB của các địa phương rất chậm. Để giải quyết dứt điểm, Bộ GTVT đã nhiều lần mời Ban GPMB của các tỉnh liên quan dự họp và thống nhất đưa ra lộ trình đến 30/9/2016, các địa phương phải xử lý dứt điểm các tồn tại trong công tác GPMB làm cơ sở để quyết toán các dự án, nhất là các dự BOT để công khai giá trị thực tế và thời gian hoàn vốn công trình. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cho phép quyết toán dự án với kinh phí GPMB là số tiền đã chuyển cho các địa phương. Sau đó, địa phương sẽ chịu trách nhiệm quyết toán GPMB với Bộ Tài chính và cơ quan có thẩm quyền.
P/V: Thưa Thứ trưởng, quy trình thống kê và cách thức đánh giá mức độ rung nứt trong quá trình thi công các dự án vừa qua được thực hiện như thế nào để đảm bảo tính chính xác và công bằng cho các hộ dân?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Về quy trình, trước khi tiến hành thi công dự án, chủ đầu tư, nhà thầu đều phải làm việc với các địa phương, rồi tiến hành thống kê, chụp lại hình ảnh để xác định thực trạng của các ngôi nhà và ký thỏa thuận với các hộ dân. Sau đó, căn cứ vào mức độ ảnh hưởng thực tế trong quá trình thi công thông qua cơ quan kiểm định độc lập thuộc Sở Xây dựng các địa phương để so sánh với thực trạng ban đầu để tính ra mức độ đền bù thiệt hại cho các hộ dân. Cách làm này đều được người dân nơi dự án đi qua đồng tình ủng hộ và thống nhất để áp dụng
P/V: Việc đền bù cho các hộ dân có nhà bị rung, nứt trong quá trình thi công của 2 Dự án này đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân vẫn còn có kiến nghị lên các cơ quan chức năng, hướng giải quyết của Bộ GTVT như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Về nguyên tắc, việc đền bù rung nứt nhà dân trong quá trình thi công được tính vào bảo hiểm công trình. Thực tế, khi triển khai dự án các đơn vị bảo hiểm đã tích cực kiểm đếm và chi trả đền bù cho người dân theo quy trình đã nói ở trên.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công phát sinh tồn tại khi số lượng nhà dân bị ảnh hưởng bởi rung nứt vượt quá trách nhiệm chi trả của bảo hiểm. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, Bộ GTVT, các Ban QLDA đã thuê các tổ chức tư vấn độc lập có đầy đủ tư cách pháp nhân để xác định toàn bộ mức độ ảnh hưởng do rung nứt đến các hộ dân. Sau đó, căn cứ vào hợp đồng, đơn vị bảo hiểm sẽ chi trả mức bồi thường tối đa cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Đối với phần kinh phí đền bù vượt quá trách nhiệm chi trả của bảo hiểm, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu tạm ứng trước kinh phí cho các hộ bị ảnh hưởng theo kết quả của đơn vị kiểm định nhằm đảm bảo quyền lợi và cuộc sống cho người dân.
Quốc lộ 1 qua Phú Yên
Bộ GTVT cũng vừa có Văn bản số 10406/BGTVT-CQLXD ngày 6/9/2016 gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí GPMB của dự án để chi trả đền bù, hỗ trợ để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng (ngoài phần thuộc trách nhiệm của bảo hiểm đã chi trả); giao UBND các tỉnh, Hội đồng GPMB địa phương quyết định mức đền bù, hỗ trợ và chi trả cho các hộ dân. Bên cạnh đó, dùng nguồn kinh phí này để hoàn trả số tiền cho các chủ đầu tư, nhà thầu đã tạm ứng đền bù cho dân đối với các dự án đã và đang triển khai.
Tuy nhiên, có thể nói rằng, việc kiến nghị Chính phủ cho phép dùng nguồn kinh phí GPMB để hỗ trợ đền bù rung nứt cho các hộ dân nằm ngoài trách nhiệm của bảo hiểm chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề quan trọng hơn là các cơ quan liên quan cần đưa giải pháp tổng thể để giải quyết triệt để việc đền bù rung nứt trong quá trình thi công cho các dự án trong thời gian tới.
P/V: Vậy giải pháp tổng thể nhằm giải quyết triệt để tồn tại nêu trên là gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Ngày 13/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119 quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Đây là cơ sở pháp lý để Bộ GTVT giải quyết dứt điểm việc đền bù rung nứt trong quá trình thi công các dự án giao thông thời gian tới.
Nghị định này là căn cứ để Bộ GTVT triển khai bảo hiểm bắt buộc cho các công trình xây dựng hạ tầng giao thông. Trước khi Nghị định này được ban hành, về mặt bảo hiểm công trình, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn các quy định bắt buộc, thế nhưng trong một số quy định bắt buộc lại có cả việc thỏa thuận. Từ đó, dẫn tới tình trạng một số dự án hết thời gian mua bảo hành công trình nhưng công trình chưa xây dựng xong khiến việc xử lý bảo hiểm gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay, Nghị định 119 của Chính phủ quy định rất rõ ràng, bảo hiểm công trình được thực hiện đến hết thời gian bảo hành công trình. Đối tượng áp dụng đối với tất cả các chủ thể gia dự án, không phân biệt nguồn vốn, đây là cơ sở pháp lý để chúng ta giải quyết bảo hiểm cho những công trình chuẩn bị triển khai trong thời gian tới khi có sự cố xảy ra.
Mặc dù, Nghị định 119/2015 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2016, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn các quy định của Nghị định này vẫn chưa được ban hành khiến việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng trong Văn bản số 10406/BGTVT-CQLXD ngày 6/9/2016 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định này kịp thời để việc triển khai công tác đền bù bảo hiểm các dự án xây dựng mới trong thời gian tới tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.
Hoài Lâm (thực hiện)