Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt năm 2005 sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn và rộng mở hành lang pháp lý phát triển GTVT lĩnh vực đường sắt.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2005 phải tạo ra hành lang pháp lý phù hợp
để đường sắt được ưu tiên phát triển, phát huy vai trò trong nền kinh tế - xã hội
Nhiều bất cập cản trở phát triển đường sắt
Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, 10 năm thực hiện Luật Đường sắt 2005 tạo khung pháp lý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt mà trước đây chưa có. Thời gian qua, giao thông đường sắt cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển đất nước.
Vậy tại sao phải sửa đổi Luật Đường sắt 2005 dù mới hơn 10 năm thực hiện? Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, qua thực tế, Luật đã bộc lộ một số bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 14 luật, pháp lệnh, trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, nội dung mang nặng tính kỹ thuật nên khó đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình thực thi khi thực tiễn có sự thay đổi về công nghệ, quy trình tác nghiệp kỹ thuật. Do đó, cần chuyển thành các quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật.
“Một số quy định sau 10 năm thực hiện không còn phù hợp, do phát sinh các văn bản quy phạm pháp luật khác mới ban hành. Có nội dung đã quy định trong Luật nhưng chưa triển khai thực hiện được do thiếu tính khả thi trong thực tiễn”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết, tới đây cần bổ sung một số nội dung như: Chính sách ưu đãi trong hoạt động đường sắt; Công tác quản lý nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng, quỹ đất dành cho đường sắt do Nhà nước đầu tư; Về công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; Niên hạn sử dụng đối với phương tiện; Quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt; Chính sách phát triển công nghiệp đường sắt; Đường sắt tốc độ cao...
Sửa Luật để “xoay chuyển” đường sắt
Ông Vũ Quang Khôi cho biết, định hướng sửa đổi Luật Đường sắt 2005 là tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải trên mạng lưới đường sắt quốc gia; Cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác. Luật mới sẽ tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động SXKD của doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; Tăng cường công tác quản lý nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho đường sắt; Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đường sắt.
Bày tỏ quan điểm về định hướng và mục tiêu sửa đổi Luật Đường sắt 2005, GS. TSKH Lã Ngọc Khuê cho biết, việc làm này rất cấp thiết do nền kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày càng lớn. Trong khi các lĩnh vực giao thông khác như: Đường bộ, hàng không, hàng hải được đầu tư, phát triển mạnh, có thể đón bắt và đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, đường sắt gần như không được đầu tư, năng lực hạ tầng vẫn chỉ là những gì đã có của 100 năm về trước và đã được khai thác một cách triệt để.
Theo GS. Khuê, dù ngành Đường sắt có nỗ lực đến đâu, tỉ lệ luân chuyển hành khách, hàng hóa so với các phương tiện khác vẫn rất thấp. Nếu cuối thế kỷ 20, tỷ lệ luân chuyển do Đường sắt làm ra vào khoảng 8% về hàng hóa và 7% về hành khách thì thời điểm 2005, khi Luật Đường sắt ra đời, các tỷ lệ đó là trên dưới 5% và 4%. Tới cuối năm 2015, tức là sau 10 năm thực thi Luật Đường sắt, các tỷ lệ chỉ còn là 2% về hàng hóa và 1,14% về hành khách.
“Vì vậy, việc sửa Luật Đường sắt lần này phải làm gì để có thể xoay chuyển được tình thế đó, nếu không với sự lùi dần về số 0 như vậy, sau 10 năm nữa, đường sắt nước ta liệu có còn tồn tại, đúng với nghĩa của nó. Việc sửa đổi Luật lần này cần phải tạo ra chính sách và hành lang pháp lý phù hợp để đường sắt được ưu tiên phát triển theo kịp trình độ của các ngành vận tải khác, có như vậy mới từng bước phát huy được vai trò, vị trí cần có của đường sắt trong hệ thống hạ tầng giao thông cân đối và đồng bộ của đất nước”, GS. Lã Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Cũng theo GS. Khuê, về cơ chế quản lý kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt, việc sửa đổi Luật phải phù hợp với đặc thù khai thác và vận hành của đường sắt, đó là một sự vận hành hết sức tập trung và thống nhất trong việc huy động và phối hợp một cách đồng bộ và chặt chẽ giữa các yết tố vật chất kỹ thuật là: Hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin điều khiển cùng với rất nhiều đầu mối chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau.