Đây là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Công tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang sáng ngày 10/11 về chuyển đổi phương tiện thủy nội địa hoạt động trên tuyến Hà Tiên - Phú Quốc . Tham dự buổi làm việc có Văn phòng Bộ, Vụ Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và đại diện UBND tỉnh, Sở GTVT Kiên Giang.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GTVT Kiên Giang cho biết UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ GTVT đồng ý gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện từ cấp VR-SI sang cấp VR-SB để hoạt động trên tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại chậm nhất đến ngày 30/6/2017, thêm 9 tháng so với thời hạn hiện tại.
Về trang thiết bị trên tàu VR-SB hoạt động trên tuyến, UBND tỉnh đề nghị không phải trang bị Rada và phao định vị vệ tinh vì đặc điểm của luồng tuyến Hà Tiên - Phú Quốc có cự ly ngắn, nhiều đảo nối liền và có nơi trú ẩn an toàn.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Nguyễn Xuân Thủy, sau khi nhận được văn bản đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang, Vụ Vận tải đã có văn bản gửi các Cục: Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam và Đường thủy nội địa Việt Nam xin ý kiến về đề xuất nêu trên của UBND tỉnh Kiên Giang.
Trong văn bản trả lời, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GTVT không gia hạn thời gian chuyển đổi cấp phương tiện từ VR-SI sang VR-SB. Đối với việc lắp đặt các trang thiết bị trên tàu cấp VR-SB, Cục Hàng hải khẳng định Rada là thiết bị hàng hải rất quan trọng phục vụ cho việc điều động tránh va khi tàu hành trình và hỗ trợ cho tàu khi ra, vào cầu cảng, việc lắp đặt thiết bị rada là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho phương tiện, hành khách cũng như thuyền viên trên tàu. Phao định vị vệ tinh là thiết bị có tác dụng tự động báo vị trí tàu khi tàu bị chìm, hỗ trợ rất nhiều trong công tác tìm kiếm, cứu nạn khi có tai nạn, sự cố xảy ra. Vì vậy trên tuyến Hà Tiên - Phú Quốc chỉ nên xem xét miễn giảm lắp đặt phao định vị vệ tinh đối với các phương tiện cấp VR-SB chở hàng.
(Ảnh minh họa: Báo Giao thông)
Cục Đăng kiểm Việt Nam lại cho rằng việc lùi thời gian chuyển đổi cấp phương tiện từ VR-SI sang VR-SB là hợp lý, tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho phương tiện mang cấp VR-SI khi hoạt động trên tuyến này, các lực lượng quản lý 2 đầu bến cần tăng cường kiểm soát, không cho các phương tiện xuất bến khi chiều cao sóng lớn nhất trên 2m.
Đối với việc lắp đặt các trang thiết bị trên tàu VR-SB, Cục khẳng định việc miễn giảm Rada và phao định vị vệ tinh đã được thực hiện đối với các phương tiện cấp VR-SB có GT dưới 300 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 72:2013/BGTVT).Đối với các phương tiện hoạt động trên tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại nếu được gia hạn thời điểm chuyển đổi đến 30/6/2017 thì chỉ các phương tiện mang cấp VR-SB có GT từ 300 trở lên phải trang bị Rada và phao định vị vệ tinh.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và ngược lại là tuyến từ bờ ra đảo thuộc vùng biển Việt Nam do Cục Hàng hải Việt Nam quản lý. Theo quy định tại Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động (AIS). Vùng hoạt động của phương tiện phải phù hợp với quy định của Cơ quan đăng kiểm.
Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định thời gian thực hiện chuyển đổi phương tiện tại Kiên Giang còn quá chậm. Thứ trưởng thống nhất gia hạn thời gian chuyển đổi là 06 tháng, yêu cầu Sở GTVT Kiên Giang đảm bảo hoàn thành trong thời gian trên, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đôn đốc, kiên quyết hoàn thành chuyển đối trong 06 tháng.
Cục Hàng hải chủ trì phối hợp với Cục Đăng kiểm kiểm tra định kỳ hàng tháng tại địa phương, đôn đốc, giúp đỡ để hoàn thành đúng thời hạn đồng thời báo cáo Bộ những vấn đề phát sinh để kịp thời xử lý.
Đối với việc lắp đặt các trang thiết bị trên tàu VR-SB, Thứ trưởng yêu cầu địa phương thực hiện nghiêm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 72:2013/BGTVT./.
KC