Hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta lúc đầu triển khai dự án BOT yếu, không phù hợp ở cả hai khía cạnh: đảm bảo quản lý của cơ quan Nhà nước và vị thế bình đẳng của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Phát biểu tại một buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, báo cáo của đoàn giám sát của Ủy ban Quốc hội đã chỉ ra, hiện nay mức độ của các văn bản pháp luật mới dừng lại ở mức Nghị định của Chính phủ, chưa lên tầm của Quốc hội, vì thế sẽ bị tác động của rất nhiều luật. Hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta lúc đầu triển khai dự án BOT yếu, không phù hợp ở cả hai khía cạnh: đảm bảo quản lý của cơ quan Nhà nước và vị thế bình đẳng của nhà đầu tư.
Nếu theo Nghị định 108, Kiểm toán Nhà nước không vào kiểm toán được các công trình BOT, nhưng sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Chính phủ quyết định Kiểm toán Nhà nước có cơ sở pháp lý để ghi vào hợp đồng BOT với các nhà đầu tư. “Kết quả, Kiểm toán Nhà nước về chi phí công trình mới là giá trị đầu tư công trình. Và giá trị thật này mới là căn cứ tính thời hạn thu phí trên dự án. Trong kiến nghị của đoàn giám sát, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ trên cơ sở tổng kết 5 năm thực hiện dự án BOT đã làm vào tháng 6/2016, Chính phủ cần tổng kết và có văn bản về các chương trình: Nâng nghị định BOT lên thành pháp lệnh hoặc luật để đảm bảo tính pháp lý cao hơn”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.