Chiều nay (19/9), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ cuộc họp với lãnh đạo các Ban Quản lý dự án, Sở GTVT và Vụ, Cục, Tổng cục liên quan nhằm rà soát tình hình thực hiện và đưa ra các giải pháp tích cực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2017 của Bộ GTVT.
Vụ trưởng Vụ KHĐT Nguyễn Duy Lâm báo cáo tình hình, khả năng thực hiện kế hoạch vốn TPCP năm 2017
Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Duy Lâm cho biết, năm 2017, nguồn vốn TPCP được giao cho Bộ GTVT với tổng số là 11.768 tỷ đồng, bao gồm 6.298 tỷ đồng KH2017 và 5.470 tỷ đồng kế hoạch (KH) 2016 kéo dài sang 2017. Các dự án được giao kế hoạch 2017 đều là các dự án sử dụng vốn dư QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, còn lại là các dự án thuộc giai đoạn 2014-2016 được giao vốn KH2016 kéo dài sang 2017.
8 tháng đầu năm 2017, các dự án đã giải ngân 2.715 tỷ đồng, đạt 23% KH. Trong đó, KH2017 giải ngân được 1.889 tỷ đồng, đạt 30% KH; KH2016 kéo dài giải ngân được 825 tỷ đồng, đạt 15% KH.
Đối với các dự án sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2014-2016 và các dự án QL1 & đường HCM đoạn qua Tây Nguyên: chủ yếu là các dự án đã hoàn thành đang chờ quyết toán, số vốn được giao dùng để chi trả quyết toán và bảo hành công trình nên chưa thể giải ngân ngay được. Có một số dự án như: Dự án hầm Đèo Cả được giao 1.937 tỷ đồng vốn KH 2016 kéo dài sang 2017, trong đó có 733 tỷ đồng chờ Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng vốn TPCP để thanh toán cho lãi vay của Dự án hầm Đèo Cả bao gồm cả lãi vay BOT mới có thể giải ngân được; Dự án Luồng tàu tải trọng lớn vào sông Hậu dư kế hoạch vốn được giao khoảng 1.515 tỷ đồng đang chờ Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép để tiếp tục thực hiện các hạng mục cấp bách của giai đoạn 2. Đến nay các dự án này mới giải ngân được 570 tỷ đồng/ 4.344 tỷ đồng kế hoạch được giao.
Đối với các dự án sử dụng vốn dư (lần 1) từ các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên: Do các dự án được giao kế hoạch muộn (đến giữa tháng 5/2017 mới được giao vốn KH 2017 và đến đầu tháng 6/2017 mới được giao vốn KH 2016 kéo dài) nên mới giải ngân được 2.145 tỷ /7.424 tỷ kế hoạch được giao (khoảng 29%).
Riêng đối với các dự án sử dụng vốn dư lần 2 từ các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (1.030 tỷ): mới được Bộ KH&ĐT giao KH ngày 01/9/2017, hiện các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án đang thực hiện các thủ tục đấu thầu nên chưa có kết quả giải ngân.
Theo báo cáo của các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, khả năng giải ngân thực tế trong năm 2017 của các dự án giao thông sử dụng vốn TPCP chỉ đạt khoảng 9.676 tỷ đồng trên tổng số 11.768 tỷ đồng KH được giao, đạt khoảng 82% KH; bao gồm: 4.572 tỷ đồng KH2017, đạt khoảng 73% KH và 5.104 tỷ đồng KH2016 kéo dài, đạt khoảng 93% KH; số vốn còn lại phải kéo dài KH2017 để thực hiện chi trong năm 2018 là 1.779 tỷ đồng; không còn nhu cầu sử dụng là 313 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các Ban QLDA, Sở GTVT các tỉnh, chủ đầu tư đã báo cáo kết quả giải ngân từng dự án sử dụng nguồn vốn TPCP được giao năm 2017 đến thời điểm hiện tại, đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, kiến nghị giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đồng thời cam kết sẽ cố gắng phấn đấu đến cuối năm sẽ giải ngân xong kế hoạch vốn đã đăng ký.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải xác định việc giải ngân các dự án sử dụng vốn TPCP phải được ưu tiên đặc biệt trong năm 2017 vì tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT là rất thấp. Do nhiều nguyên nhân khác nhau như xử lý vốn dư kéo dài, giải phóng mặt bằng, do chủ trương, thủ tục kéo dài, chưa chủ động về thủ tục quyết toán, chưa có giải pháp kịp thời... làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân.
Để đẩy mạnh công tác giải ngân, Thứ trưởng yêu cầu các Ban QLDA, chủ đầu tư phải chỉ đạo hàng tuần, phân công phân nhiệm rõ về theo dõi các dự án, xác định mục tiêu giải ngân, có kế hoạch giải ngân cụ thể theo từng tháng, ưu tiên giải ngân phần vốn 2016 kéo dài.
Đối với công tác quyết toán, Thứ trưởng yêu cầu bên cạnh thực hiện quyết toán theo kế hoạch, các Ban QLDA, chủ đầu tư rà soát lại phần thanh toán hiện đang còn giữ lại phải giải quyết thanh toán trên cơ sở nghiệm thu, đánh giá của kiểm toán độc lập... Chủ đầu tư xác định ngay phần có thể giải ngân được để từ đó xây dựng kế hoạch giải ngân; đẩy nhanh thực hiện giải ngân của phần đã có thủ tục pháp lý. Ngoài ra, các chủ đầu tư có trách nhiện làm việc với địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng giao các Cục, Vụ liên quan phân định cụ thể phần nào làm ngay, phần nào chờ thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án; thúc đẩy, đôn đốc giải ngân các dự án theo kế hoạch đã cam kết.
“Sau cuộc họp này, cuối tháng 9 tất cả các chủ đầu tư, Ban QLDA có báo cáo, đăng ký phần giải ngân theo phần vốn đã phân bổ cũng như cam kết từ trước, đề xuất các kiến nghị để Vụ Kế hoạch Đầu tư tổng hợp tham mưu Bộ GTVT xử lý" - Thứ trưởng yêu cầu.
VH