Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức được bắt đầu từ 6/11/2017 tại TP. Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có bài phát biểu về Định hướng và chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại APEC 2017
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã giới thiệu sơ lược về thực trạng hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam. Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của Việt Nam đã được đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành. Đường bộ có tổng chiều dài khoảng 24.203 km. Trong đó: Đường cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng 14 tuyến với tổng chiều dài 816,671 km; Quốc lộ có tổng chiều dài 23.862 km; Đường thủy nội địa có tổng chiều dài đang khai thác, quản lý 7.071,8 km; 220 cảng thủy nội địa do trung ương quản lý, 3.087 bến thủy nội địa có phép trên các tuyến do trung ương quản lý; Đường sắt: Mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam có tổng chiều dài 3.159,908 km. Tổng số 216 ga đường sắt; Hàng hải: Có 32 cảng biển (trong đó có 14 cảng biển loại I và IA, 18 cảng biển loại II) ngoài ra còn có 13 cảng dầu khí ngoài khơi là cảng biển loại III. Sản lượng thông qua năm 2016 khoảng 459,8 triệu tấn (đạt 86% công suất). Cả nước có 48 tuyến luồng hàng hải vào cảng quốc gia công cộng với tổng chiều dài là 943,7km và 12 tuyến luồng vào cảng chuyên dùng; Hàng không: có 21 cảng hàng không với tổng công suất đạt 77,75 triệu HK/năm và 1,01 triệu tấn hàng hóa/năm, đáp ứng khai thác loại máy bay A320/A321; Hệ thống cảng cạn: hiện có 05 cảng cạn và 16 cảng thông quan nội địa, tập trung tại miền Bắc và miền Nam; hiện đang khai thác khoảng 2.632.721 TEU/năm trên tổng công suất là 6.538.200 TEU/năm (đạt 40% công suất). Bên cạnh đó còn có hệ thống hạ tầng do địa phương quản lý.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại như: đường bộ cao tốc, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, cảng biển quốc tế (Cái Mép - Thị Vải, Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Tiên Sa, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ; đang triển khai xây dựng cảng Lạch Huyện, Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu ), cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cam Ranh...) đã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Đối với hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, bến cảng vào mùa vận tải cao điểm; đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải; điều chỉnh cơ cấu vận tải theo thành phần kinh tế, trước đây chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp nhà nước tham gia vận tải, nay đã xã hội hoá với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt đã hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải tích tụ được vốn và trình độ quản lý, đảm bảo thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh; giá cước vận tải cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, mạnh để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn lực, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cũng không được duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, nguy cơ dẫn tới xuống cấp, giảm năng lực phục vụ, khai thác. Những bất cập trên đã và đang làm giảm vị thế đi trước mở đường của ngành GTVT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng cho biết, trước thực tế đó, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục xác định "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị" và một số nhiệm vụ trọng tâm liên quan trực tiếp đến ngành GTVT: "Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin."; "Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng."; "Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là hợp tác công - tư (PPP) phù hợp với thông lệ quốc tế. Tăng cường quản lý, bảo đảm tiến độ, hiệu quả và chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí.".
Căn cứ định hướng của Đảng và Nhà nước, ngành GTVT xác định mục tiêu đến năm 2020, hệ thống GTVT Việt Nam cần cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, Chính phủ và Bộ GTVT đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KCHTGT giai đoạn 2016 – 2020 và với định hướng phát triển đó, ngành GTVT xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng gần 1 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 60% cần được cân đối từ nguồn ngân sách (vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA) và 40% từ nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước.
Vụ HTQT