Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về hoạt động của các nhà máy đóng tàu bị ảnh hưởng của dự án xây dựng cầu vượt trên sông Văn Úc.
Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan thỏa thuận thống nhất với các doanh nghiệp đóng tàu có liên quan về chiều cao tĩnh không cầu vượt sông Văn Úc của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình để vừa đáp ứng yêu cầu hoạt động của các nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu và giao thông vận tải đường thủy trên địa bàn, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, vận hành và hài hòa các yếu tố về kinh tế-kỹ thuật của dự án với quá trình khai thác lâu dài tiềm năng của sông Văn Úc.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát năng lực của các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển; trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2290/QĐ-TTg ngày 27/11/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự án xây dựng đoạn tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài 29,7 km đường bộ (20,782 km thuộc địa bàn thành phố Hải Phòng và 8,925 km thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình).
Trên đoạn tuyến từ Hải Phòng - Thái Bình sẽ có 8 cây cầu được xây dựng. Trong đó, có 2 cây cầu lớn nhất là cầu vượt qua sông Văn Úc dài gần 2 km và cầu vượt sông Thái Bình dài hơn 1 km.