Sáng 11/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với các Cục Hàng hải VN, Đường thủy nội địa VN, Đăng kiểm VN về cơ chế, chính sách và giải pháp để nâng thị phần vận tải đường biển, pha sông biển.
Bộ trưởng đánh giá, chúng ta đã có chủ trương đúng, có cơ chế chính sách nhưng chưa hoàn chỉnh
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, các nước đều đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn về vận tải thủy (bao gồm vận tải thủy nội địa và vận tải biển). “Vận tải thủy của Việt Nam nhất là ở miền Bắc vẫn chưa phát triển, vậy là do chúng ta chưa có giải pháp hay chưa có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang đã báo cáo Bộ trưởng về thực trạng vận tải biển, dịch vụ tại cảng biển.
Theo đó, từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2017, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu VR-SB (thông qua cảng biển) là 31,5 triệu tấn; về tuyến vận tải biển nội địa, khoảng 70% hàng container được vận chuyển bằng đường biển, 30% còn lại (chủ yếu là hàng đông lạnh, thủy hải sản…) do nhu cầu vận chuyển nhanh nên đi bằng đường bộ. Đội tàu hiện nay cơ cấu khá đa dạng, đảm bảo nhu cầu vận tải nội địa, trang thiết bị kỹ thuật của tàu cơ bản đáp ứng quy định của pháp luật và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và đặc biệt được chính sách bảo hộ quyền vận tải nội địa. Tuy nhiên, tuổi tàu cao, trình độ khai thác tàu còn hạn chế.
"Về cảng biển, chúng ta có hệ thống cảng biển trải dài theo bờ biển, nhiều bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn, có thể trở thành mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu. Nhưng hệ thống cảng biển của Việt Nam bị hạn chế chưa được kết nối đồng bộ với hạ tầng giao thông, công tác phối hợp quản lý đầu tư chưa chặt chẽ, dịch vụ logistics của Việt Nam còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta đặc biệt thiếu nguồn nhân lực là các thuyền viên có tay nghề, kinh nghiệm…", ông Nguyễn Xuân Sang cho biết.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đã đề xuất một số giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp phát triển đội tàu vận tải biển nội địa, giải pháp về thuyền viên, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics và tăng cường kết nối các phương thức vận tải.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Cục, Vụ có liên quan rà soát lại các Nghị định, Thông tư,
điều chỉnh kịp thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, Vụ trưởng Vụ Vận tải…, Bộ trưởng đánh giá, chúng ta đã có chủ trương đúng, có cơ chế chính sách nhưng chưa hoàn chỉnh vì vậy chúng ta cần kiên trì tìm hiểu, các đơn vị cần xây dựng và đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và ven biển. “Việc phát triển vận tải thủy không chỉ làm giảm áp lực cho đường bộ và còn giúp bảo vệ kéo dài tuổi thọ cho hệ thống giao thông đường bộ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Cục, Vụ có liên quan rà soát lại các Nghị định, Thông tư xem xét những điểm chưa phù hợp để có những điều chỉnh kịp thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Về logistics, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Vận tải phối hợp với các Cục, Hiệp hội, doanh nghiệp để có báo cáo hoàn chỉnh và tổ chức hội nghị toàn quốc trong tháng 3/2018, từ đó đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hoạt động logistics, kết nối được các loại hình vận tải, tạo đột phá cho vận tải thủy nội địa và vận tải biển.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ GTVT ủng hộ hoàn toàn các đề xuất mà Cục Hàng hải, Cục Đường Thủy nội địa nêu ra và yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất cụ thể hơn về việc giảm thuế cho vận tải thủy, ưu đãi về tiếp cận vốn ngân hàng cho đóng tàu, có cơ chế tài chính khuyến khích cho đào tạo cũng như chế độ đãi ngộ đối với thuyền viên và nguồn nhân lực vận tải thủy nói chung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải cần liên doanh liên kết với các tập đoàn lớn trong nước để tạo nguồn hàng ổn định, kết nối được các loại hình vận tải khác nhau để nâng cao thị phần vận tải.
H.N