Ngày 8/12, tại TP.HCM, Bộ GTVT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đường sắt (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Hội thảo
Luật Đường sắt 2005 được Quốc hội khóa X1 thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ năm 2006. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đường sắt, đảm bảo vai trò của giao thông đường sắt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Luật Đường sắt 2005 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được bổ sung kịp thời. Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đường sắt và được Quốc hội kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2017. Luật Đường sắt 2017 có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi đã giới thiệu tóm tắt những nội dung mới Luật Đường sắt (sửa đổi) có 10 chương và 87 điều khoản thi hành, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành Đường sắt nói riêng và KT-XH nói chung. Đáng chú ý Luật Đường sắt đã có nhiều điểm đổi mới và quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp như: xây dựng đường gom, hầm chui, cầu vượt dọc hành lang đường sắt, quy định rõ trách nhiệm của địa phương có đường sắt đi qua khi xảy ra tai nạn, niên hạn đầu máy, toa xe chở khách… quản lý đường ngang, lối đi dân sinh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, để xây dựng hoàn chỉnh các Nghị định, Bộ GTVT đã tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt tại Hà Nội, Đà Nẵng. Việc xây dựng Nghị định trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Luật Đường sắt 2017 và các văn bản pháp luật liên quan; Kế thừa các quy định hiện hành, sửa đổi hoặc bổ sung những nội dung chưa rõ, còn thiếu thống nhất, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; đảm bảo tính hợp lý, thống nhất giữa của hệ thống pháp luật và tính khả thi trong thực hiện.
Qua hội thảo, Thứ trưởng Đông ghi nhận tiếp thu các ý kiến đóng góp dự thảo, yêu cầu Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu các vấn đề như: xác định điểm đen, hành lang ATGT đường sắt để khi đưa vào Nghị định phải đảm bảo tính thực hiện khả thi của quy định, khai thác đất đường sắt; trách nhiệm của địa phương trong quản lý lối đi tự mở qua đường sắt. Thứ trưởng Đông cũng giao vụ pháp chế, Cục Đường sắt Việt Nam hoàn thiện dự thảo Nghị định sau khi tổng hợp ý kiến từ các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương, xây dựng lộ trình cụ thể để sớm trình Bộ GTVT và trình Quốc hội thông qua và áp dụng thi hành từ tháng 7/2018.
Minh Phương