Tập trung vào 9 vấn đề nhằm phát triển tốt logistics khu vực ĐB sông Cửu Long

Thứ hai, 18/12/2017 16:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại Hội nghị phát triển về logistics trong lĩnh vực GTVT khu vực ĐBSCL, sáng nay 18/12 tại Đồng Tháp. Tại Hội nghị, sau khi nghe nhiều ý kiến thực tế từ các doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương, trước hết là 13 địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, các địa phương trong toàn quốc phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành và các tỉnh lân cận thực hiện tốt 9 nhiệm vụ nhằm nâng cao, phát triển logicstics trong Vùng và cả nước.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc đột phá về cơ chế chính sách là ưu tiên số 1.

“Hiện nay, hoạt động vận tải thủy nội địa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cả từ phía các địa phương cũng như trung ương. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giao thông vận tải, Bộ GTVT nhận trách nhiệm về vấn đề này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị, sau Hội nghị, Bộ GTVT các Bộ, Ban, ngành, địa phương cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa, đặc biệt là thay đổi nhận thức, quan điểm về phát triển vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải, từ đó xây dựng các giải pháp cụ thể, đồng bộ, trước mắt và lâu dài để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phải phối hợp chặt chẽ, rà soát điều chỉnh các cơ chế chính sách phải thích ứng giữa hạ tầng với tiềm năng phát triển.

“Phải rà soát lại toàn bộ hạ tầng để tạo cơ chế đặc biệt. Đầu tư ít nhưng phải mang lại hiệu quả cao, Bộ GTVT cùng các ngành, địa phương phải xem xét từng công trình giao thông để đề xuất cơ chế chính sách. Xem từng ngành hàng, để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, hoàn chỉnh thể chế cho hàng hoá lưu thông một cách tốt nhất. Các địa phương, bộ ngành cũng cần hỗ trợ, phối hợp với Ngành GTVT mới có thể làm tốt được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tập trung cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải để vừa giảm giá thành hàng hoá, vừa đảm bảo công khai, minh bạch;

“Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động đến với doanh nghiệp, đến với người dân, bám sát thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa theo hướng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; tăng năng suất vận tải, giảm cước phí vận tải, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải, giữa vận tải đường thủy nội địa với các loại hình vận tải khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Đường thủy nội địa và hàng hải đang triển khai tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các dự án trọng điểm như Kênh Chợ Gạo, kênh Quan Chánh Bố…Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa và hàng hải theo đúng quy hoạch, chiến lược đã được phê duyệt.

Đối với lĩnh vực đường sắt: làm thế nào để cụ thể hóa quy hoạch đã được phê duyệt trên tuyến TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ.

Đối với đường bộ, cần nghiên cứu xem xét để nâng cấp đối với hệ thống Quốc lộ như: QL53, QL54, QL91, QL63, tuyến N1, N2...; cần hoàn chỉnh hệ thống đường bộ kết nối đến các cửa khẩu; mạng lưới đường bộ kết nối với cảng thủy nội địa, cảng biển.

Đối với hàng không phải nghiên cứu xem xét xây dựng hệ thống kho hàng hóa hàng không, nghiên cứu để tăng lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong khu vực.

Không chỉ có vậy, Bộ trưởng yêu cầu tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu logistics tại các trường đại học trong khu vực; đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải nhưng phải phù hợp với điều kiện thực tế về trình độ, phong tục tập quán của người dân và có lộ trình thực hiện cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao các Vụ, Cục liên quan giải quyết những vấn đề có thể xử lý được ngay  bằng văn bản; Xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị trên cơ sở các giải pháp đã nêu trong báo cáo, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị liên quan (lưu ý, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phải triển khai thực hiện ngay); kịp thời chủ động tham mưu Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền, công tác phối hợp xử lý với các Bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Nguyễn Nhật xử lý đối với việc thực hiện quy hoạch về phát triển vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải; phân cấp quản lý luồng, tuyến, phương tiện và người lái cho phù hợp thực tiễn; khắc phục các tồn tại, chồng chéo trong quản lý giữa đường thủy nội địa và hàng hải tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy nội địa hợp lý với phương châm đầu tư tập trung, theo thứ tự ưu tiên và dứt điểm.

“Ngoài các công tác chuyên môn mang tính chiến lược và cụ thể, việc phát triển thành công hay không thành công Logistics tại Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung cần nhiều đến sự góp sức của các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí, đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.


Hoài Lâm

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)