Chiều nay (29/3), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ Quý I/2018 của Bộ GTVT. Để giải đáp sự quan tâm của hàng trăm nhà báo đại diện cho các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan đã cùng trả lời các câu hỏi của các nhà báo nhằm chuyển tải thông điệp về các lĩnh vực mà Bộ GTVT quản lý, phối hợp quản lý hoạt động vận tải tới độc giả cả nước.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi Họp báo thường kỳ Quý I/2018
Bộ GTVT hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT thông báo sơ qua tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác Quý I/2018. Theo đó, Bộ GTVT đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2018 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm. Sau 3 tháng triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp thực hiện, các lĩnh vực công tác chủ yếu của Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng văn bản QPPL và đề án Quý I năm 2018; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 đã được tập trung hoàn thiện với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao; đã hoàn thành dự thảo lần 01 của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Đường sắt.
Công tác quản lý vận tải và bảo đảm TTATGT được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Bộ đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức triển khai công tác đảm bảo TTATGT, phòng, chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và bảo đảm an ninh, trật tự tại các trạm thu giá BOT. Bên cạnh đó,Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Mậu Tuất năm 2018 của ngành GTVT được chuẩn bị chu đáo và triển triển khai tích cực đã góp phần bảo đảm TTATGT, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đã ban hành kế hoạch phát triển logistics trong lĩnh vực GTVT khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tập trung chuẩn bị tổ chức hội nghị toàn quốc về logistics lĩnh vực GTVT.Vận tải hàng hóa tăng 8,8% về sản lượng, tăng 5,8% về luân chuyển; vận tải hành khách tăng 9,5% về sản lượng và tăng 10% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2017. TNGT giảm 2,89% số vụ, giảm 5,42% số người bị thương và tăng 1,66% số người chết so với Quý I năm 2017.
Công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án quan trọng của ngành tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc Tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc Tế Long Thành, thu phí tự động không dừng... được tập trung triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra. Kết quả giải ngân các dự án ước đạt gần 7.200 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm 2018.Đã lập, trình quyết toán 8 dự án và hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 7 dự án.
Công tác rà soát, xử lý bất cập tại một số trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT đã được tập trung thực hiện quyết liệt và bước đầu đã hạn chế được tình hình mất trật tự an ninh, nhận được sự đồng tình của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Công tác quản lý, bảo trì các lĩnh vực GTVT được triển khai bảo đảm kế hoạch.
Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp được triển khai, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là tập trung xử lý các vướng mắc để tái cơ cấu, cổ phần hóa đối với ACV, VEC, Cửu Long, SBIC và Vinalines...
Công tác CCHC, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là việc rà soát, lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT không cần thiết, bất hợp lý, chồng chéo, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đã hoàn thành nâng cấp 27 dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực đường thủy nội địa từ mức độ 3 lên mức độ 4; phối hợp với Tổng cục Hải quan triển khai nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực hàng hải...
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, để có được những kết quả trên, ngoài việc chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự nỗ lực của CBCNV-LĐ toàn Ngành còn có sự đồng hành, vào cuộc của các nhà báo, các cơ quan truyền thông nhằm hỗ trợ giúp đỡ Ngành GTVT phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sử dụng của người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến ngành GTVT.
Nhiều vấn đề nóng của ngành và liên quan đến GTVT được đông đảo
các cơ quan truyền thông quan tâm, trong đó có việc quản lý Uber, Grab
Tại buổi Họp báo, nhiều nhà báo đại diện các cơ quan truyền thông tại khu vực Hà Nội đã đặt ra nhiều câu hỏi thuộc lĩnh vực Ngàng GTVT quản lý. Cụ thể, trả lời các câu hỏi của các nhà báo liên quan đến việc Grab mua Uber liệu có khiến người sử dụng thiệt thòi vì chỉ còn độc quyền, mất tính cạnh tranh hay không, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết: Việc quản lý cạnh tranh, xác định có độc quyền hay không được thực hiện theo Luật Cạnh tranh. Cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này là Bộ Công thương.
“Hiện tại Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương đã vào cuộc. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ về vụ mua bán này. Phía Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là người dân theo đúng chức trách nhiệm vụ của mình”, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định.
Về câu hỏi của PV liên quan đến việc quản lý xe ôm công nghệ vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc cho biết theo quy định hiện hành, UBND các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý xe 2 bánh chở khách. Tuỳ đặc điểm tình hình, các địa phương sẽ có cách quản lý riêng.
“Bộ GTVT đang đánh giá, tổng kết tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 86 về quản lý kinh doanh vận tải, vấn đề này cũng sẽ được tính tới, sao cho người dân kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hành khách”, ông Ngọc thông tin.
Đồng tình với ý kiến của Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, theo Luật Doanh nghiệp thì việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của DN.
“Lo ngại về độc quyền là chính đáng. Tuy nhiên, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có đến cả chục doanh nghiệp, trong đó cả những hãng taxi truyền thống cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ để điều hành, quản lý cũng như kinh doanh vận tải khách nên không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab thì sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khác, không thể là độc quyền”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Về quyền lợi của người lái xe Uber, Thứ trưởng khẳng định Bộ GTVT với tư cách cơ quan QLNN, sẽ hỗ trợ tối đa người lao động trong phạm vi chức trách tuy nhiên, Bộ không thể can thiệp vào hợp đồng, thỏa thuận dân sự của người lái xe với Grab và Uber.
Về các câu hỏi liên quan tới việc mở rộng cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với bộ GTVT về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo đề xuất của công ty Tư vấn ADP-I (Pháp). Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất cần mở rộng bến đỗ, nhà ga, đường lăn, đường kết nối là rất cấp thiết.
“Theo phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, một nhà ga hành khách sẽ được xây dựng thêm ở phía Nam (tức phía nhà ga hiện hữu) với diện tích sàn 200.000m2. Nhà ga có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm, tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.
Diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16ha đất do bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistics và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi. Bộ Giao thông phối hợp với công ty Tư vấn Pháp rà soát để chỉnh sửa quy hoạch hiện hữu, hoàn thiện phương án của đơn vị tư vấn.
“Việc mở rộng sân bay sẽ sử dụng quỹ đất quốc phòng để thực hiện. Nguồn tiền sẽ sử dụng vốn của ACV. AVC là nhà đầu tư và kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác. Hiện nay, việc quá tải tại Tân Sơn Nhất là rất hiện hữu nên bộ đang xác định việc mở rộng sân bay là cấp thiết”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Theo Thứ trưởng Đông, sau khi mở rộng, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm và phục vụ cả dân dụng lẫn quân sự, được sử dụng lâu dài cùng sân bay Long Thành, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Trả lời câu hỏi về lo ngại khi triển khai cao tốc Bắc – Nam, chuyển lưu lượng từ QL1 sang sẽ ảnh hưởng đến phương án tài chính của các dự án BOT trên QL1, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Đây là phát sinh được dự báo trước trong quá trình đàm phán các hợp đồng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 theo hình thức BOT đã có điều khoản quy định về vấn đề này, trong đó có việc dự trù phân tải bao nhiêu % cho cao tốc, bao nhiêu % cho QL1. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ cùng các cơ quan liên quan xem xét trên điều kiện thực tế, cập nhật lượng xe và chốt lại phương án tài chính.
Trả lời các câu hỏi về nguyên nhân cũng như lộ trình khắc phục việc nứt cầu Vàm Cống, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho biết, sự cố nứt dầm ngang trên đỉnh trụ P29 cầu Vàm Cống là nghiêm trọng và hy hữu. Công tác tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục phải được triển khai thận trọng để có thể giải quyết triệt để nhất nguyên nhân gây nứt. Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị trong nước rà soát toàn bộ quá trình triển khai, Bộ GTVT cũng mời tư vấn quốc tế tham gia vào quá trình khảo sát điều tra tìm nguyên nhân và đưa giải pháp khắc phục, dự kiến đầu tháng 4 sẽ có kết quả.
Tại buổi Họp báo thường kỳ Quý I/2018, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Bộ GTVT cũng giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến việc cắt giảm thủ tục kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT; việc quản lý chất thải trong nạo vét duy tu luồng hàng hải; vấn đề BOT đường thủy; việc sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải; việc quy định về phương tiện đi trên đường cao tốc…
P.V