15h chiều 4/6, sau gần 4 tiếng chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã kết thúc phiên đăng đàn đầu tiên của mình trên cương vị người đứng đầu Bộ GTVT.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Dù mới nhận nhiệm vụ Bộ trưởng GTVT chưa đầy 8 tháng nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã bao quát vấn đề, nắm chắc tình hình, thực trạng và trả lời rõ các chất vấn của ĐBQH.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao
phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
15h chiều 4/6, sau gần 4 tiếng chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã kết thúc phiên đăng đàn đầu tiên của mình trên cương vị người đứng đầu Bộ GTVT.
Phiên chất vấn thẳng thắn, đổi mới
Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ nhất cùng trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 36 ĐB đặt câu hỏi, 18 ĐBQH với 21 lượt tranh luận, và còn 17 ĐB xin gửi câu hỏi đến để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia giải trình.
Phiên chất vấn với nhóm vấn đề này theo Chủ tịch Quốc hội đánh giá đã diễn ra sôi nổi, các ĐB đặt câu hỏi ngắn gọn, thẳng thắn, rõ ràng theo tinh thần đổi mới, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của người dân.
“Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội, dù mới đảm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng chưa đầy 8 tháng nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành GTVT cùng những biện pháp chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát vấn đề, nắm chắc tình hình, thực trạng, đã trả lời, làm rõ hầu hết các vấn đề ĐBQH chất vấn. Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành GTVT nói chung” – Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Tuy nhiên, theo chủ toạ điều hành phiên chất vấn, trong trả lời còn một số nội dung ĐB chưa hài lòng nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.
Cần nỗ lực, quyết tâm hơn để tạo chuyển biến tích cực
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, ngành GTVT đã đạt một số thành quả rất đáng ghi nhận, đã huy động nguồn lực rất lớn trong xã hội tham gia phát triển hạ tầng giao thông theo các hình thức, BOT, PPP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nhưng so với yêu cầu thực tế thì còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai, đòi hỏi nỗ lực quyết tâm hơn nữa mới chuyển biến tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tại buổi đăng đàn đầu tiên trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ GTVT
Qua chất vấn và ý kiến của ĐBQH cho thấy quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chất lượng công trình giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế, lạc hậu, mất cân đối trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển.
Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo lái xe, ý thức tham gia giao thông cũng còn kém nên TNGT còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông ở các TP lớn ngày càng bức xúc, việc đầu tư các dự án BOT đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân của tồn hại, hạn chế trên, theo Chủ tịch Quốc hội, do cả khách quan và chủ quan, do hệ thống chính sách chưa đồng bộ nhưng cũng do khâu điều hành, quản lý. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng GTVT và các bộ ngành liên quan ttiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến lĩnh vực đã được chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý tập trung vào một số vấn đề như rà soát, đánh giá toàn bộ thực trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông, trong đó chú trọng hệ thống đường sắt quốc gia, khẩn trương nghiên cứu báo cáo Quốc hội Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam vào năm 2019.
Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết vấn đề quá tải giao thông.
Ngoài ra, có giải pháp thu hút các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo lợi ích thoả đáng của NN, nhà đầu tư và nhân dân.
Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngân sách
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành giao thông sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn đã bố trí cho ngành giao thông, phát triển đường sắt cân đối với các loại hình vận tải khác, ưu tiên kết nối các tuyến, các vùng phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách.Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATGT, giảm hơn nữa số lượng các vụ TNGT, xử lý dứt điểm các điểm đen về ATGT, lập lại trật tự giao thông đô thị, xử lý ùn tắc tại các TP lớn, các tuyến đường huyết mạch để đảm bảo ATGT thông suốt.
Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn hiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để huy động vốn, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế; triển khai kết nối hệ thống thông tin, dữ liệu về thu phí để đảm bảo sự minh bạch; đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước dùng hệ thống thu phí tự động không dừng.
Cùng với đó, thực hiện kiểm toán, quyết toán các dự án BOT giao thông theo quy định; đối với các trạm thu phí đặt không đúng vị trí, không phù hợp thì có các phương án xử lý dứ điểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm minh các vi phạm trong lĩnh vực này.