Sáng nay (3/1), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Dự thảo Đề án Xác định nhu cầu vốn, quản lý bảo trì quốc lộ đến năm 2030.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật; lãnh đạo các Văn phòng Bộ; Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Pháp chế, An toàn giao thông, Hợp tác quốc tế; Tổng cục Đường bộ VN; Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ TƯ cùng dự họp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp nghe báo cáo
Dự thảo Đề án Xác định nhu cầu vốn, quản lý bảo trì quốc lộ đến năm 2030
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tư vấn - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết: Những năm qua, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng đã được đầu tư phát triển ngày càng tốt hơn và cơ bản đáp ứng được vài trò là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và tăng cường hội nhập quốc tế.
Trong các phương thức vận tải, vận tải đường bộ đóng vai trò lớn chủ lực với tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách chiếm 94,39% tổng lượng vận tải hành khách và 77,47% tổng khối lượng vận tải hàng hoá, đặc biệt các vùng có tỷ lệ vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm tỷ lệ cao như vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Trung du và Miền núi phía Bắc. Mặc dù ngành GTVT đã và đang triển khai tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy và đường sắt nhưng đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa (liên tỉnh) bằng đường bộ vẫn chiếm trên 54% và thị phần vận tải hành khách (liên tỉnh) vẫn chiếm tỷ lệ trên 93%. Như vậy mạng lưới giao thông đường bộ và đặc biệt là hệ thống giao thông đường quốc lộ vẫn đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm giao thông vận tải và phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước. Do vậy, việc duy trì hệ thống đường bộ an toàn, bền vững, phục vụ vận tải đường bộ và kết nối các phương thức vận tải là rất cần thiết.
“Đề án xác định nhu cầu vốn, quản lý bảo trì quốc lộ đến năm 2030 nhằm xác định đầy đủ, khoa học về nhu cầu vốn quản lý, bảo trì quốc lộ đến năm 2030 theo quy định; là cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét ưu tiên tăng vốn cho quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; tạo sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, phát huy tối đa hiệu quả công tác quản lý bảo trì”, phía Tư vấn nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích hiện trạng hệ thống quốc lộ, quy hoạch và định hướng phát triển hệ thống quốc lộ đến năm 2030; đánh giá hiện trạng công tác quản lý, bảo trì quốc lộ, Tư vấn đã đưa các nội dung cụ thể về việc xác định nhu cầu vốn, bảo trì quốc lộ đến năm 2030.
Cụ thể, về nguyên tắc tính toán thì việc xác định nhu cầu vốn, quản lý quốc lộ phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành của pháp luật; tính đúng, tính đủ nhu cầu nhằm đảm bảo duy trì điều kiện khai thác hiệu quả và an toàn của hệ thống quốc lộ hiện tại và tương lai một cách bền vững; xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì cho từng năm giai đoạn 2019-20130; xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì cho từng tuyến quốc lộ; phân vùng tính toán; phân loại kết cấu đường…
Việc xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ đến năm 2030 sẽ gồm công tác bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ; sửa chữa đột xuất và các sửa chữa khác.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật và lãnh đạo các đơn vị dự họp đã có ý kiến cụ thể liên quan đến Đề án Xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì quốc lộ đến năm 2030.
Đánh giá về Dự thảo Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Tổng cục Đường bộ VN, Tư vấn và các đơn vị liên quan đã nỗ lực trong việc điều chỉnh số liệu bổ sung, trình bày lại Đề án tốt hơn so với Dự thảo tại cuộc họp vào tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Đề án vấn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Tư vấn đề hoàn thiện báo cáo Dự thảo Đề án trên cơ sở tập trung vào việc xem xét sửa đổi lại tên Đề án; làm rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến sự cần thiết thực hiện Đề án.
“Đề án phải đánh giá được công tác bảo trì đường bộ trong thời gian vừa qua, hiện trạng đường tại các vùng, miền; đưa ra được các giải pháp để cải tiến công tác duy tu, sửa chữa đường bộ từ máy móc thiết bị, tổ chức đầu thầu, tổ chức thi công, ứng dụng khoa công nghệ; đưa ra được các kiến nghị cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị liên quan ” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.
K.A