Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”.
Ảnh minh họa
Trong các phương thức vận tải, vận tải bằng đường thủy nội địa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giao thông vận chuyển hàng hóa, hành khách và hành lý ở nước ta. Thực tế thời gian qua, hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy diễn ra ở hầu hết các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các khu vực qua đô thị, khu dân cư nơi có đường thủy nội địa đi qua, gây nhiều cản trở đối với hoạt động vận tải và tiềm ẩn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; đặc biệt là việc khai thác cát, sỏi trái phép làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông; uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngành, lĩnh vực khác và cuộc sống của người dân.
Những đặc điểm, hiện tượng nêu trên đã, đang xảy ra và trong tình hình mới hiện nay sẽ tác động đến phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa cũng như tình hình trật tự, an toàn trên đường thủy nội địa.
Thông báo kết luận nêu rõ: Thống nhất sự cần thiết của Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” do Bộ Giao thông vận tải xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu của Đề án là xác định, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người tham gia giao thông và người dân sống dọc các tuyến đường thủy nội địa; tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng, phương tiện đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải lưu ý khi đề xuất các giải pháp thực hiện cần gắn với công tác dự báo, đặc biệt dự báo về số lượng phương tiện, thuyền viên và người điều khiển phương tiện để đạt được mục tiêu của Đề án; đồng thời, chú trọng rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, quy định về mức và hình thức xử phạt, như: có tịch thu được phương tiện là tang vật, có hành vi vi phạm hay không; mức xử phạt vi phạm hành chính, các quy định về xử lý hình sự các vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đã đủ sức răn đe chưa…; các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, bao gồm các điều kiện hoạt động của phương tiện và thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy nội địa; trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện.
Bộ Giao thông vận tải rà soát các quy định có liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kiểm tra, kiểm soát hành trình của phương tiện và tuần tra, kiểm tra hoạt động của phương tiện thủy nội địa; các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa; xác định luồng, tuyến, các điểm đen về an toàn giao thông để điều chỉnh quy hoạch nếu cần thiết...
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện nội dung của Đề án; trên cơ sở đó, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.