6 tháng đầu năm 2009: Khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân các dự án xây dựng công trình giao thông tăng cao

Thứ năm, 09/07/2009 17:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 08/7/2009, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban Bộ thường kỳ tháng 6 và sơ kết 6 tháng đầu năm 2009. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng, Lãnh đạo các cơ quan tham mưu: Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, Văn phòng Ban cán sự, Đảng ủy CQ Bộ, Công đoàn GTVT VN, Công đoàn CQ Bộ, VP Ủy ban ATGT, Lãnh đạo các Tổng công ty, các BQL dự án trực thuộc Bộ, đại diện Văn phòng chính phủ và các Ban ngành Trung ương.
Ngày 08/7/2009, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban Bộ thường kỳ tháng 6 và sơ kết 6 tháng đầu năm 2009. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng, Lãnh đạo các cơ quan tham mưu: Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, Văn phòng Ban cán sự, Đảng ủy CQ Bộ, Công đoàn GTVT VN, Công đoàn CQ Bộ, VP Ủy ban ATGT, Lãnh đạo các Tổng công ty, các BQL dự án trực thuộc Bộ, đại diện Văn phòng chính phủ và các Ban ngành Trung ương.
 
 
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chủ trì Hội nghị
 
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2009, các báo cáo tổng hợp cho thấy: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Đã hoàn thành và trình Chính phủ nhiều văn bản QPPL như: Nghị định quy định về việc lưu hành xe ô tô của người nước ngoài có tay lái bên phải vào Việt Nam, Nghị định về vận tải đa phương thức, Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô, Nghị định về danh mục hàng nguy hiểm, việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường bộ; Điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Đề án cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh. Bộ trưởng cũng đã ký ban hành nhiều thông tư theo thẩm quyền.
 
Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản:
 
Trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2009, khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân của các dự án đều tăng cao so với tháng 5/2009 và cùng kỳ năm trước (giá trị giải ngân nguồn vốn NSNN toàn ngành tăng 59,1%, giải ngân các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý tăng 60,1%, giải ngân trái phiếu Chính phủ tăng 90% so với cùng kỳ năm 2008). Giá trị giải ngân 6 tháng đầu năm vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ cơ bản đạt được mục tiêu đề ra (giải ngân NSNN đạt 42,1%; trái phiếu Chính phủ đạt 45,3%). Có được kết quả như vậy là do lãnh đạo Bộ đã thường xuyên đi kiểm tra hiện trường, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc và đôn đốc các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.  Các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đã tăng cường giám sát, đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài việc đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm đến công tác nghiệm thu, thanh quyết toán công trình, đặc biệt là các công trình trọng điểm hoặc công trình tồn tại từ nhiều năm trước. Tình hình giải ngân các nguồn vốn cụ thể như sau:
 
a) Nguồn ngân sách nhà nước: Số liệu toàn ngành: Khối lượng thực hiện lũy kế 6 tháng đầu năm 2009 đạt 4.409 tỉ (đạt 46% kế hoạch năm), tăng 81,7% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân luỹ kế 6 tháng đầu năm 2009 đạt 3.944 tỉ (đạt 41,1% kế hoạch năm), tăng 59,1% so với cùng kì năm trước. Đối với Các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý: Khối lượng thực hiện tháng 6 năm 2009 đạt 1.024,9 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện luỹ kế 6 tháng đầu năm 2009 đạt 3.897 tỷ đồng (46% kế hoạch năm), tăng 80,3% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân tháng 6 năm 2009 đạt 820 tỷ đồng. Giải ngân luỹ kế 6 tháng đầu năm 2009 đạt 3.570 tỷ đồng (42,1% kế hoạch năm), tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước.
 
b) Nguồn trái phiếu Chính phủ: Khối lượng thực hiện tháng 6 đạt 1.138,9 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện luỹ kế 6 tháng đầu năm 2009 đạt 4.803,3 tỷ đồng (48% kế hoạch), tăng 105% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân tháng 6 đạt 1.366,1 tỷ đồng. Giải ngân luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 4.525,2 tỷ đồng (45,3% kế hoạch năm), tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. c) Nguồn ngoài ngân sách: Khối lượng thực hiện tháng 6 đạt 70,94 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện lũy kế 6 tháng đầu năm 2009 đạt  2,967.94 tỷ đồng. Giải ngân tháng 6 đạt 120,503 tỷ đồng. Giải ngân lũy kế 6 tháng đầu năm 2009 đạt 1,794.503 tỷ đồng.
 
d) Kết quả huy động vốn từ nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất theo chương trình kích cầu của Chính phủ của các Tổng công ty Xây dựng giao thông: Lũy kế từ đầu năm đến 25/6/2009 các đơn vị xây lắp thuộc Bộ vay trung hạn 33,544 tỷ đồng và vay ngắn hạn 690,9 tỷ đồng; số tiền lãi vay được giảm là 19,09 tỷ đồng.  Các đơn vị xây lắp huy động số vốn cao là: Tổng công ty XDCTGT 4 huy động được 221,38 tỷ đồng, Tổng công ty XDCTGT 5 huy động được 175,663 tỷ đồng, Tổng công ty XD Thăng Long huy động được 153,67 tỷ đồng.
 
Công tác vận tải, bảo đảm an toàn giao thông:
 
Về vận tải: Vận tải hành khách và hàng hoá tháng 6 tăng so với tháng 5/2009, trong đó tăng nhiều nhất là vận tải hành khách bằng đường sắt (tăng 35,02% về khối lượng vận chuyển và tăng 81,17% về khối lượng luân chuyển), chủ yếu do nhu cầu đi lại của thí sinh và của khách du lịch. So với 6 tháng đầu năm 2008, vận tải hành khách tính chung đều tăng so với cùng kỳ năm trước, riêng vận tải hành khách bằng đường sắt giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,5% về khối lượng vận chuyển và 10,8% về khối lượng luân chuyển).  Tuy nhiên, hầu hết các loại hình vận tải hàng hoá đều giảm cả về khối lượng vận chuyển và khối lượng luân chuyển, chỉ có vận tải đường bộ tăng nhẹ (tăng 2,8% về khối lượng vận chuyển và 2,1% về khối lượng luân chuyển).
 
- Vận tải hành khách tháng 6 toàn ngành đạt 164,64 triệu lượt khách, tăng 1,98% và 7,4 tỷ lượt hành khách.km, tăng 4,59% so với tháng 5/2009. Vận tải hành khách 6 tháng ước tính đạt 964,3 triệu lượt khách, tăng 7% và 41,8 tỷ lượt khách.km, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó: vận tải hành khách đường bộ 6 tháng ước tính đạt 868,9 triệu lượt khách, tăng 7,6% và 29,8 tỷ lượt khách.km, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; đường sông đạt 81,5 triệu lượt khách, tăng 2,3% và 1,6 tỷ lượt khách.km, tăng 1,7%; đường biển đạt 3 triệu lượt khách, tăng 3,2% và 191,6 triệu lượt khách.km, tăng 4,9%. Riêng vận tải hành khách đường hàng không tăng 0,6% về khối lượng vận chuyển nhưng giảm 1,9% về khối lượng luân chuyển so với cùng kỳ năm 2008; đường sắt giảm 2,5% về vận chuyển và giảm 10,8% về luân chuyển.
 
- Vận tải hàng hóa tháng 6 toàn ngành đạt 53,46 triệu tấn, tăng 1,44% và 14,46 tỷ tấn.km, giảm 11,76% so với tháng 5/2009. Vận tải hàng hóa 6 tháng ước tính đạt 314,1 triệu tấn, tăng 0,3% và 84,2 tỷ tấn.km, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hàng hoá đường bộ đạt 226 triệu tấn, tăng 2,8% và 11,4 tỷ tấn.km, tăng 2,1%; đường sông đạt 62,8 triệu tấn, giảm 2,2% và 10 tỷ tấn.km, giảm 6,5%; đường biển đạt 21,3 triệu tấn, giảm 13% và 60,7 tỷ tấn.km, tăng 3,1%; đường sắt đạt 3,9 triệu tấn, giảm 13,6% và 1,9 tỷ tấn.km, giảm 17,8%.
 
Về an toàn giao thông: Tuy tháng 5 không duy trì được chỉ tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (tăng 24 vụ, tăng 15 người bị thương và giảm 20 người chết) nhưng tổng hợp trong 5 tháng đầu năm 2009, tình hình tai nạn giao thông vẫn có bước chuyển biến tích cực, cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính của gia tăng tai nạn giao thông trong thời gian qua là do mật độ phương tiện tăng đột biến, trong khi đó ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông kém, đi không đúng phần đường, làn đường, tình trạng sang đường không quan sát, tránh vượt sai quy định, chạy quá tốc độ cho phép, chở quá tải... của các phương tiện tham gia giao thông; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của phương tiện tham gia giao thông, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt còn nhiều và khá phổ biến, diễn ra ở hầu hết các địa phương, hệ thống đường gom, rào hộ lan còn thiếu và chưa hoàn chỉnh; công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm đã được lực lượng chức năng của các địa phương (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) tăng cường, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Số liệu cụ thể như sau:
 
Trong tháng 5 năm 2009 xảy ra 995 vụ tai nạn giao thông, làm 895 người chết, 615 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2008 tai nạn giao thông giảm 71 vụ (-6,66%), giảm 66 người chết (-6,87 %), giảm 127 người bị thương (-17,12%). So sánh với tháng 4/2009, tai nạn giao thông tháng 5/2009 tăng 24 vụ (+2,47%), giảm 20 người chết (-2,18%) và tăng 15 bị thương (+2,5%).
 
Tổng hợp 5 tháng đầu năm 2009: xảy ra 5.183 vụ, làm chết 4.842 người, bị thương 3.321 người; bình quân 1 ngày trong 5 tháng đầu năm cả nước xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người và làm bị thương 22 người.  So với 5 tháng đầu năm 2008, tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số: 229 vụ (-4,23%), giảm 127 người chết (-2,56%), giảm 197 người bị thương (-5,06%).  
 
Tỷ lệ tai nạn giao thông đường bộ tính trên 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ trong 5 tháng đầu năm 2009 là 1,76 vụ, 1,67 người chết, 1,15 người bị thương. So với 5 tháng đầu năm 2008 giảm 0,24 vụ, giảm 0,20 người chết và giảm 0,17 người bị thương.
 
Công tác an toàn lao động: Bộ đã tổ chức phát động tuyên truyền về an toàn lao động, đặc biệt là ở những công trình thi công lớn nhằm đảm bảo cao nhất về an toàn lao động.  Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã từng bước xác định được trách nhiệm đối với công tác bảo đảm an toàn lao động, tiến hành rà soát và triển khai các quy định hiện hành; cung cấp kịp thời trang thiết bị, phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân tại các công trường; nhờ đó trong tháng 6/2009 không để xảy ra tai nạn đáng tiếc nào. Đối với vụ tai nạn lao động tại cầu Chợ Đệm và cầu Trà Ôn: Bộ đã yêu cầu kiểm điểm đối với cá nhân và tập thể để xảy ra tai nạn lao động; thành lập Tổ công tác để phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xác định nguyên nhân gây ra tai nạn.
 
 
Hội nghị giao ban Bộ tháng 6 và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2009
 
Công nghiệp giao thông vận tải: Do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp công nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn và đầu ra của sản phẩm. Mặc dù tháng 6 sản lượng đã tăng so với các tháng đầu năm nhưng giá trị sản xuất và doanh thu của cả 6 tháng đầu năm 2009 vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 14.624 tỷ đồng (31% KH năm) - giảm 8,5% so cùng kỳ năm 2008; doanh thu đạt 12.555 tỷ (29,9% KH năm) - giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp tàu thủy: Giá trị sản xuất đạt 12.450 tỷ (30% KH năm) – bằng cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt 10.400 tỷ (28,7% KH năm) - giảm 3,3% so với cùng kỳ 2008. Công nghịêp ô tô: Giá trị sản xuất đạt 2.001,8 tỷ (31,2% KH năm) - giảm  42,6%, doanh thu đạt 2.049,5 tỷ (38,3% KH năm) - giảm 20,5% so cùng  kỳ  năm trước.
 
Công tác cải cách hành chính: Năm 2009, Bộ đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tính đến 30/6/2009, Bộ GTVT đã gửi Tổ công tác chuyên trách cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ 388 thủ tục hành chính, đã hoàn thành việc cập nhật vào phần mềm máy xén và điền vào biểu mẫu 1, đồng thời cập nhật các văn bản pháp lý liên quan đến 388 thủ tục hành chính (bao gồm cả file điện tử và bản in).
 
Đã ban hành các quy định về phân cấp quản lý CBCC; Quy định về bổ nhiêm, bổ nhiệm lại cán bộ; Bổ sung quy hoạch cán bộ đến năm 2010 và quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011-2015. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí: Bộ đã có chương trình hành động cụ thể, đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt và nâng cao nhận thức đối với từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình về cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đặc biệt Bộ GTVT đã xây dựng chương trình hành động nhằm đề ra các giải pháp hữu hiệu chống tham nhũng, lãng phí trong xây dựng cơ bản. Công tác hợp tác quốc tế: Bộ GTVT đã tích cực triển khai trên diện rộng các hoạt động đối ngoại cả song phương lẫn đa phương trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và lĩnh vực vận tải.  Bộ đã trình Chính phủ ký Hiệp định vận chuyển hàng không Việt Nam - Hy Lạp.  Lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị đã tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế như: Hội thảo về Xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược tạo thuận lợi cho GTVT và thương mại các nước GMS tại Thái Lan; Hội nghị thường niên lần thứ 3 về thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam - Campuchia; Hội nghị cấp cao về hợp tác hậu cần GMS tại Trung Quốc; tham dự Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 5 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ đã có các buổi tiếp và làm việc với đại diện các tổ chức quốc tế, các tập đoàn nước ngoài như WB, JICA, ADB... để thu hút vốn đầu tư (ODA, BT, BOT...) cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông như: Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Vàm Cống....
 
 
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phát biểu kết luận Hội nghị
 
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng khẳng định: bám sát vào các nội dung chỉ đạo, điêu fhành của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ đã có thống nhất cao, phát huy trí tuệ tập thể, tập trung chỉ đạo các khâu trọng điểm, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Bộ theo hướng đi sâu, đi sát, quyết liệt, bám sát từng nhiệm vụ, từng mục tiêu cụ thể để giải quyết công việc, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của các cơ quan tham mưu, các Cục quản lý chuyên ngành, các Ban quản lý dự án, các doanh nghiệp và các đơn vị  khác của Bộ, nhiều chỉ tiêu đặt ra trong 6 tháng đầu năm đã được hoàn thành trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành với mức độ cao như khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân các dự án xây dựng công trình giao thông, công tác hợp tác quốc tế, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu đạt thấp như vận tải, giá trị sản xuất công nghiệp do tác động của suy giảm kinh tế.
 
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng nhấn mạnh:
 
-    Tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật GTĐB và tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng trong nhân dân để thực hiện nghiêm các quy định mới như không uống rượu bia khi lái xe, đeo dây bảo hiểm khi ngồi trên ôtô, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, ….
 
-    Chuẩn bị tốt cho Hội nghị về XDCB. Tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ các DN trong ngành để nâng cao năng lực của các DN, tạo sức cạnh tranh cao trong giai đoạn tới.
 
-    Tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC, phòng chống tham nhũng, an toàn lao động.
PVO

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)