Khai mạc “Diễn đàn liên chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 - EST12

Thứ hai, 28/10/2019 17:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 28/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc “Diễn đàn liên chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 - EST12”.
Diễn đàn EST12 do Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm phát triển vùng Liên hợp quốc đồng tổ chức.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Diễn đàn EST12 có khoảng 335 đại biểu, trong đó có 213 đại biểu quốc tế đến từ 25 quốc gia châu Á,
gồm quan chức Chính phủ từ các nước thành viên EST

Tham dự Diễn đàn EST12 có khoảng 335 đại biểu, trong đó có 213 đại biểu quốc tế đến từ 25 quốc gia châu Á, gồm quan chức Chính phủ từ các nước thành viên EST, đại diện các đại sứ quán, các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, khối tư nhân, các học giả nghiên cứu, chuyên gia của Liên hợp quốc.

Nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Diễn đàn EST là nơi diễn ra các cuộc đối thoại chính sách và bàn luận về chiến lược nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến các thực tiễn tốt nhất, các công cụ chính sách, kỹ thuật liên quan đến giao thông bền vững giữa các quốc gia Châu Á.

Tại Diễn đàn EST 12 lần này sẽ có 15 sự kiện chính và chương trình đi khảo sát kỹ thuật về thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 31/10/2019.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh 
EST 12 sẽ là diễn đàn quan trọng để thảo luận thúc đẩy hệ thống giao thông vận tải bền vững với môi trường,
góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, là một trong những quốc gia cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam tiếp tục khẳng định phải tạo ra đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Những năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn đã được ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh.

“Với những nỗ lực này, bộ mặt giao thông, đô thị của Việt Nam đã có bước thay đổi mạnh mẽ, chất lượng ngày càng được cải thiện. Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đã đã có sự cải thiện đáng ghi nhận trong thập kỷ qua, tăng 36 bậc, giai đoạn 2010-2015”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông đô thị của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, yêu cầu phải tập trung khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới. Đó là, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được tập trung đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải tại các đô thị lớn còn chậm so với nhu cầu phát triển; Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp.

Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị. Giao thông công cộng phát triển còn chậm, chưa tương xứng. Từ đó gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng đời sống của người dân.

“Trong bối cảnh đó, EST 12 sẽ là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà tài trợ trao đổi, thảo luận thúc đẩy hệ thống giao thông vận tải bền vững với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm phát triển vùng liên hợp quốc
về việc tổ chức diễn đàn EST lần thứ 12 với chủ đề “Tiến tới thành phố thông minh
và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải thông minh và cacbon thấp”

Với vai trò đồng chủ trì Diễn đàn EST 12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm phát triển vùng liên hợp quốc về việc tổ chức diễn đàn EST lần thứ 12 với chủ đề “Tiến tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông vận tải thông minh và cacbon thấp”. Trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, giao thông thông minh và công nghệ cacbon thấp sẽ là hướng đi tất yếu trong phát triển hệ thống GTVT ở các nước trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với phát triển GTVT tại các thành phố, Việt Nam chủ trương phát triển mạnh hệ thống xe buýt; nhanh chóng đầu tư các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, từng bước tăng tỷ lệ đảm nhận của vận tải khách công cộng tại các thành phố; kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị. Để đạt được mục tiêu này, trong điều kiện kinh tế xã hội và hạ tầng kỹ thuật như hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, cần tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới.

“Mong rằng, qua diễn đàn này nhiều kinh nghiệm tốt từ các nước, nhiều ý tưởng mới về giao thông thông minh, về công nghệ cacbon thấp trong GTVT sẽ được chia sẻ tạo điều kiện cho các nước tham gia, nghiên cứu, vận dụng hướng tới phát triển hệ thống GTVT bền vững; các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tham gia diễn đàn sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực tạo điều kiện cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam hướng tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông thông minh và cacbon thấp”, Bộ trưởng bày tỏ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, Hà Nội hiện đang hoàn thiện
Đề án giao thông thông minh, tập trung số hóa hạ tầng và phương tiện giao thông

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu chào mừng và cho biết, Hà Nội hiện đang hoàn thiện Đề án giao thông thông minh, tập trung số hóa hạ tầng và phương tiện giao thông. Tại Diễn đàn lần này, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các chương trình, giải pháp khả thi nhằm đạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, trong đó xây dựng giao thông thông minh bền vững môi trường như: các chính sách về GTVT bền vững môi trường, quy hoạch sử dụng đất để phát triển đô thị thông minh, các dịch vụ và kết hạ tầng bền vững, công nghệ kĩ thuật tiên tiến, các giải pháp về thể chế, cơ chế tài chính mới và mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng các thành phố, cộng đồng an toàn, thông minh, thích ứng và bền vững. Cùng đó là khuyến khích phát triển cơ sở vật chất cho xe đạp và người đi bộ, tối ưu hóa mạng lưới đường bộ; phát triển thành phố và cộng đồng theo hướng thuận lợi, an toàn về giao thông…

Đại diện Liên hợp quốc - ông Shantanu Mukherjee cho biết, Diễn đàn EST
được tổ chức trong nhiều năm qua đã đem lại những kết quả tốt đẹp...

Cũng tại phiên khai mạc, đại diện Liên hợp quốc - ông Shantanu Mukherjee, Trưởng phòng Chính sách và Phân tích tại bộ phận về mục tiêu phát triển bền vững, UN DESA cho biết, Diễn đàn EST được tổ chức trong nhiều năm qua và đã đem lại những kết quả tốt đẹp, thúc đẩy mối quan hệ đối thoại giữa các quan chức Chính phủ cao cấp cũng như các ngành, từ đó xác định các giải pháp thực tiễn. “Diễn đàn lần này với sự tham dự của các đại biểu cấp bộ trưởng, doanh nhân, nhà khoa học, sẽ có nhiều ý kiến đa chiều để có góc nhìn đa dạng từ nhiều phía. Qua đó có sự cam kết, quan hệ đối tác cũng như những sáng kiến để phát triển giao thông bền vững”, ông Shantanu Mukherjee nói.

Đại diện Ngân hàng phát triển châu Á, Ông Bambang Susantono nhấn mạnh
sự thay đổi về giao thông bền vững ở châu Á...

Ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch quản trị tri thức và phát triển bền vững, Ngân hàng phát triển châu Á đã có bài phát biểu, nhấn mạnh sự thay đổi về giao thông bền vững ở châu Á - Nhu cầu về các giải pháp giao thông thế hệ tiếp theo để đạt được các thành phố thông minh và có khả năng thích ứng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gặp gỡ các Trưởng đoàn đại biểu trước giờ khai mạc Diễn đàn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn EST 12

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, trước Lễ Khai mạc chính thức, đã diễn ra ba tiền sự kiện: “Mở khóa lợi ích kinh tế từ phương tiện giao thông sạch” – do: Bộ GTVT VN, LISD, Đại học Curtin, Viện Wuppertal & UNCRD đồng chủ trì; “Vai trò của phụ nữ trong phát triển giao thông nông thôn” - do: Bộ GTVT VN, ReCAP, UNESCAP & UNCRD đồng chủ trì; và “Các khái niệm về sự di chuyển bền vững ở Châu Á” – do: Bộ GTVT VN, Dự án hợp tác ASEAN - Đức SMMR, Viện Wuppertal & UNCRD đồng chủ trì.

H.N

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)