Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Không sân bay nào hiệu quả tốt như Long Thành

Thứ ba, 12/11/2019 14:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khi giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 12/11.

Đại biểu trao đổi về Dự án sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội

Đón 20 - 25 triệu khách ngay trong năm đầu khai thác
Phát biểu giải trình trong phiên thảo luận sáng nay tại Hội trường Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2.

“1.810ha diện tích mặt bằng giai đoạn 1 sẽ được giải phóng đúng tiến độ

Về GPMB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong diện tích 1.810 ha phải GPMB giai đoạn 1 có 1.291 ha đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai đã kiểm đếm và sẽ bồi thường vườn cây cao su trong năm 2019.

"Chúng tôi có niềm tin là sẽ đảm bảo GPMB toàn bộ diện tích cần cho giai đoạn 1 đúng tiến độ" - Bộ trưởng khẳng định.”

“Khi sân bay này vừa hoàn thành, lượng khách thông qua có thể đạt ngay 20 - 25 triệu khách/năm. Những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp. Riêng sân bay Long Thành vừa xong sẽ đảm bảo lượng khách thông qua tới 25 triệu khách/năm. Đến 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao”, người đứng đầu Bộ GTVT thông tin.

Về tổng mức đầu tư dự án, Bộ trưởng cho hay trong hơn 1 năm qua, liên danh tư vấn JFV đã tập trung cao độ để hoàn thành dự án. “Hiện Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra độc lập về dự án. Chúng tôi cố gắng rà soát làm sao đảm bảo tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không có lãng phí và trượt giá như những dự án khác” - Bộ trưởng nói.

Nội thất hiện đại của nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành theo thiết kế

Dự án tốt, huy động vốn không khó, cần nhất là sớm chọn nhà đầu tư

Giải trình ý kiến ĐBQH lo ngại về năng lực của TCT Cảng hàng không VN (ACV), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay: Hiện doanh nghiệp này có khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (sau khi đã cân đối kế hoạch đầu tư phát triển 21 CHK mà ACV đang quản lý, khai thác theo kế hoạch của Bộ GTVT; bao gồm cả việc đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T3 CHKQT Tân Sơn Nhất). Kế hoạch từ nay đến 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của Dự án.

“Hiệu quả kinh tế của dự án CHK quốc tế Long Thành rất cao. Các tổ chức nước ngoài hoàn toàn yên tâm hỗ trợ ACV” - Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, chúng ta huy động nguồn lực trong nước trước. Khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.

Liên quan đến công nghệ, Bộ trưởng cho biết sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay.

“Trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, cập nhật, đảm bảo khi sân bay vận hành, thiết bị đó phải hiện đại nhất trong thời điểm đó” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án.

“Chúng tôi sẽ làm việc với ACV xin cơ chế thuê chuyên gia, tổ chức quốc tế để tăng cường công tác hỗ trợ cho ACV, tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.

Riêng tiến độ liên quan đến việc giao thầu, Chính phủ đồng tình cao phải nhanh chóng chọn nhà đầu tư vì có nhà đầu tư thì mới có thể bắt đầu làm hồ sơ thiết kế và triển khai các bước tiếp theo.

Việc chọn được nhà đầu tư nhanh nhất là mấu chốt để có thể khởi công dự án vào năm 2021.

Giao thông kết nối sân bay Long Thành sẽ như thế nào?

Về giao thông kết nối, cùng với 2 tuyến giao thông kết nối số 1 (dài 3,8 km, kết nối trục chính Cảng đầu phía Tây với Quốc lộ 51) và số 2 (kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay Bộ GTVT đã lên kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 sẽ mở rộng đường cao tốc TP.HCM ra sân bay Long Thành đồng thời đề nghị làm đường sắt kết nối giữa sân bay Long Thành và TP.HCM, triển khai đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành, nâng cấp một số tuyến đường tỉnh trong khu vực, bảo đảm sao cho kết nối giữa sân bay Long Thành và TP.HCM. Ngoài ra, sẽ có một số tuyến buýt đi sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất bảo đảm cho người dân đi lại thuận tiện nhất.

kieuanh

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)