Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành Hàng không Việt Nam”

Thứ sáu, 27/11/2020 07:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 26/11, tại trụ sở Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành Hàng không Việt Nam”.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá lại tác động của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động và sự phát triển của ngành, thảo luận những giải pháp nhằm phục hồi hoạt động và phát triển bền vững ngành Hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới, đề xuất với Đảng và Nhà nước về những chính sách và giải pháp vĩ mô nhằm tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam mau chóng phục hồi và phát triển bền vững.

Tiến sĩ Phạm Việt Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Tiến sĩ Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc – Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Công nghệ điều hành hội thảo cùng hơn 100 chuyên gia, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý thuộc các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức tư vấn, các doanh nghiệp ngành hàng không và các lĩnh vực liên quan mật thiết với ngành hàng không đã tham gia hội thảo.

Thứ trưởng  Lê Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thúc đẩy hội nhập văn hóa, phát triển kinh tế, chính trị. Trong những năm gần đây, vận tải hàng không trong nước và khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019, vận chuyển hơn 136 triệu hành khách, năng lực điều hành bay không ngừng nâng cao (hơn 900.000 chuyến bay). Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã gây rối loạn hoạt động kinh tế, ảnh hưởng đời sống xã hội, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới. Tại nước ta, các hoạt động vận tải hàng không đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng để phục vụ chủ trương giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, dừng vận chuyển hàng khách…

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành hàng không phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành hàng không vẫn đứng trước khó khăn to lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.

Các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận, trình bày những kết quả nghiên cứu về vai trò, sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, những tác động của khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19 đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tới sự phát triển của ngành hàng không thế giới và hàng không Việt Nam. Các đại biểu cũng phân tích những khó khăn, vướng mắc, những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển triển của ngành hàng không Việt Nam, những nỗ lực của các doanh nghiệp hàng trong trong thời gian qua, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững ngành hàng không.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho biết: đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Sản lượng khai thác của các hãng hàng không toàn thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn tới sự sụt giảm về sản lượng điều hành bay đi, đến và quá cảnh của Tổng công ty. Đồng thời, chỉ tiêu doanh thu của Tổng công ty còn tiếp tục bị ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán tiền dịch vụ điều hành bay cho VATM.

VATM đã triển khai một loạt các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đồng thời có sự chuẩn bị để kịp thời phục vụ các hoạt động đầy đủ của ngành khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế phục hồi trở lại, thậm chí tiếp tục phát triển với tốc độ cao như dự kiến. Các giải pháp được đưa ra bao gồm nhóm các giải pháp về phòng, chống dịch và nhóm các giải pháp về điều hành sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài những biện pháp phục hồi mang tính chủ động, tự lực, VATM rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan, các Bộ, ban ngành liên quan. Trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, trường hợp diễn biến của dịch bệnh phức tạp hơn sẽ kéo theo việc không thể thực hiện các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, dẫn tới mất cân đối thu - chi. VATM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách, giải pháp hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước cho VATM để đảm bảo hoạt động.

Tại hội thảo các chuyên gia, cán bộ, doanh nghiệp ngành Hàng không đã cùng phân tích các thách thức cũng như đưa ra các giải pháp cần thực hiện để vượt qua khủng hoảng, từ việc tham gia nghiên cứu, xây dựng quy trình bay cho phép kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, đa dạng hóa các dịch vụ và hình thức cung cấp dịch vụ… cho tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân sự kỹ thuật - công nghệ chất lượng cao. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trong ngành. Hội thảo cũng là cơ hội để các đại biểu đề xuất, kiến nghị các giải pháp trước mắt và dài hạn để Nhà nước thực hiện nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không bao gồm hoàn thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển hệ thống đào tạo…

kieuanh

Nguồn: VATM

TAGS : vatm

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)