Ngày 16/12, tại Hội thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực Miền Nam được tổ chức ở Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, quy hoạch là vấn đề cực kỳ quan trọng, là gốc rễ cho vấn đề đầu tư và phải đi trước một bước.
Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại hội thảo
Quy hoạch đi trước một bước
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030 cơ bản đã hoàn thành, hội thảo lần này là để các địa phương đóng góp ý kiến để hoàn thiện quy hoạch.
Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương, khi xây dựng kế hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thì tính liên kết vùng là cực kỳ lớn, tạo động lực cho vùng phát triển chứ không phải riêng một địa phương.
Do đó, đòi hỏi các địa phương cần có sự nghiên cứu và đề ra giải pháp đầu tư như thế nào để mang lại hiệu quả. Các quan điểm này sẽ được đưa vào quy hoạch làm cơ sở xem xét để bố trí vốn, huy động nguồn lực đầu tư sau này.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá, so với các vùng khác tương đối đồng bộ, quy mô và chất lượng mạng lưới giao thông đường bộ hiện nay của khu vực ĐBSCL còn thấp. Do đó, cần phải có giải pháp giải quyết điểm nghẽn này.
“Vậy giải pháp gì cho vấn đề này, các địa phương cần có ý kiến. Quan điểm của Bộ GTVT là tất cả hệ thống quốc lộ hiện tại cố gắng giữ nguyên, đồng thời nâng cấp mặt đường, hạn chế mức tối đa giải phóng mặt bằng, tăng cường nâng cấp mặt đường, hệ thống ATGT, như thế sẽ phù hợp. Đồng thời đầu tư được các trục xuyên tâm kết nối với các tuyến quốc lộ sẽ giải quyết được cơ bản những điểm “khó” của các địa phương”, Thứ trưởng Thọ nói.
Tại Hội nghị, đại diện liên danh tư vấn thực hiện quy hoạch, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực Miền Nam.
Theo đơn vị tư vấn, quy hoạch mạng lưới đường bộ, tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc, coi đây là trục xương sống của quốc gia. Định hướng đến năm 2030, mạng lưới đường bộ cao tốc trên các trục Bắc - Nam, khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL sẽ có có khoảng 5.414 km và năm 2050 đạt khoảng 8.240 km. Trong đó, quy hoạch cao tốc khu vực phía Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.258 km, quy mô cao tốc từ 4 đến 8 làn xe; cao tốc vành đai đô thị TP HCM gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 304 km, quy mô cao tốc từ 4 đến 8 làn xe.
Về hệ thống quốc lộ, trục dọc Bắc Nam được quy hoạch từ cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đến huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) với chiều dài khoảng 2.482km, đạt tiêu chuẩn cấp III, 4 làn xe đối với tuyến QL1. Riêng đường Hồ Chí Minh thì từ Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đến Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chiều dài khoảng 1.762 km, đạt tiêu chuẩn cấp III, 2 - 4 làn xe,…
Ngoài ra, tại khu vực phía Nam định hướng quy hoạch 14 tuyến quốc lộ chính yếu, tổng chiều dài khoảng 1.969 km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe, một số tuyến có lưu lượng vận tải lớn quy mô cấp III, 4 đến 6 làn xe; 25 tuyến quốc lộ thứ yếu, chiều dài khoảng 3.453 km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 làn xe,,..
Sau khi nghe các đơn vị tư vấn báo cáo, các đại biểu tham dự (đại diện 19 tỉnh thành khu vực phía Nam) cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo đã trình bày và đề xuất xem xét các vấn đề liên quan đến vốn, xác định dự án ưu tiên đầu tư theo các giai đoạn, điều chỉnh một số đoạn tuyến, hướng tuyến phù hợp với các dự án đã triển khai và quy hoạch của các địa phương có tuyến đi qua…
Cầu Cần Thơ
Đảm bảo tính liên kết
Đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các địa phương tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp thu nghiêm túc, đồng thời giao Tổng cục Đường bộ VN, đơn vị tư vấn phải có ý kiến phản hồi. "Cái nào tiếp thu, cái nào không tiếp thu, vì sao không thì phải có văn bản phản hồi. Cần thiết thì mời các địa phương ngồi lại làm việc”, Thứ trưởng Thọ nói.
Trong quá trình hoàn thành báo cáo quy hoạch, Thứ trưởng lưu ý các đơn vị, việc quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ khu vực phía Nam theo tính chất ô bàn cờ là phù hợp, tuy nhiên những tuyến hướng tâm về TP HCM là bắt buộc phải có. Và các tuyến hướng tâm là phải đi trước một bước.
Đối với đơn vị tư vấn, khi quy hoạch cần tính đến yếu tố liên kết vùng, các khu công nghiệp, các đô thị và vùng động lực của khu vực và kết hợp với các phương thức vận tải khác.
Đồng thời, khi thực hiện quy hoạch đối với các tuyến quốc lộ thuộc nhóm chính yếu và thứ yếu, các đơn vị cũng cần nghiên cứu, đưa ra quy mô phù hợp với điều kiện phát triển, tính kết nối của các địa phương.