Chiều 28/7, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở GTVT của 63 tỉnh, thành phố về công tác vận tải gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG Khuất Việt Hùng chủ trì cuộc họp tại Hội trường lớn 2D, trụ sở Bộ GTVT, TP Hà Nội; Cùng dự có, lãnh đạo một số Vụ thuộc Bộ GTVT, đại diện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT QG Khuất Việt Hùng chủ trì cuộc họp
Giao thông tại các địa phương tiếp tục thông thoáng
Báo cáo tại cuộc họp, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Do số lượng người dùng truy cập tại một thời điểm vào hệ thống, đồng thời có sự tấn công từ bên ngoài nên hệ thống dừng hoạt động trong ngày 26/7/2021. Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện việc di chuyển toàn bộ dữ liệu và hệ thống phần mềm đến cụm Server của Cục Tin học hoá.
Ngày 27/7/2021 Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản số 5262/TCĐBVN-KHCN, MT&HTQT gửi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel để đề nghị phối hợp, hỗ trợ đảm bảo hoạt động hệ thống phần mềm đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã cử chuyên gia của Công ty An ninh mạng Viettel và Công ty giải pháp Doanh nghiệp Viettel hỗ trợ cài đặt hệ thống giám sát, rà quét an toàn thông tin của hệ thống, rà soát lại mã nguồn hệ thống, kiểm tra đánh giá hiệu năng hệ thống. Đến nay hệ thống hoạt động bình thường.
Để hệ thống hoạt động ổn định, đảm bảo hiệu năng, các chuyên gia công nghệ thông tin của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đề xuất giải pháp chuyển toàn bộ hệ thống lên Cloud-Server của Viettel. Tổng cục ĐBVN đã thống nhất và dự kiến sẽ phối hợp với các bên và hoàn thành công việc này trong đêm 28/7/2021.
Về việc giải quyết quá tải cấp mã QRCode của Sở GTVT Hà Nội, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin, sau khi trao đổi với Sở GTVT Hà Nội, Tổng cục ĐBVN đã đề nghị 21 Sở GTVT gồm: Tuyên Quang, Nam Định, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Vĩnh Phúc tiếp nhận và huy động ngay lực lượng để tham gia giải quyết hỗ trợ cho Sở GTVT Hà Nội. Tổng cục cũng giao Vụ Vận tải thực hiện hỗ trợ cho Sở GTVT Hà Nội. Hiện nay, việc giải quyết cấp mã QRCode đang tiếp tục được 21 Sở GTVT và Vụ Vận tải (Tổng cục ĐBVN) thực hiện. Theo thống kê trên hệ thống của Tổng cục ĐBVN, lũy kế đến thời điểm báo cáo 63 Sở GTVT đã cấp được 85.942 xe. Tổng cộng toàn hệ thống đã cấp được 136.263 xe.
Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN cũng đã có Văn bản số 5288/TCĐBVN-VT ngày 27/7/2021 gửi Bộ GTVT về việc đề xuất tháo gỡ vướng mắc phân loại hàng hóa đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vận chuyển công nhân, chuyên gia. Ngày 27/7/2021, Bộ Công thương đã có Công văn hỏa tốc số 4481/BCT-TTTN về quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu và các Sở Giao thông vận tải trong việc cấp giải quyết cấp mã QRCode cho phương tiện của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vận tải.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền báo cáo tại cuộc họp
Về tình hình giao thông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, về cơ bản tại các chốt kiểm soát tại cửa ngõ TP. Hà Nội, TP. HCM thông thoáng, các tỉnh phía Nam lượng xe máy về các tỉnh Tây Nguyên nhiều đã được lực lượng CSGT tổ chức dẫn đoàn, đảm bảo ATGT.
Các chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ phần lớn đã thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế (kiểm tra xác suất 11 trường hợp có mã nhận dạng QR Code qua chốt, các tài xế và người đi cùng trên xe đều có xét nghiệm âm tính theo quy định).
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Y tế GTVT đã tổ chức các điểm test nhanh cho lái xe tại Bình Thuận và Đắk Nông. Tại tỉnh Bình Thuận, Cục Y tế GTVT đã triển khai test nhanh tại trạm Km1770+200, QL1, Bình Thuận từ ngày 23/7/2021. Trong ngày thực hiện Test nhanh 09 trường hợp, lũy kế đến đến 12h00 ngày 28/7/2021 là 26 trường hợp được test.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Cục Y tế GTVT và Hiệp hội vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã thống nhất lập Tổ di động để test nhanh cho lực lượng lái xe và người đi cùng trên xe lưu động ở TP.HCM (địa điểm do Hiệp hội lựa chọn và chuẩn bị sẵn); hiện nay đã có 1500 bộ kít để test nhanh cho Bệnh viện Giao thông vận tải Tp.HCM. Ngày 27/7/2021 (tính đến 17h30) đã test được 94 trường hợp; Lũy kế đến 14h ngày 27/7/2021 là 303 trường hợp được test. Đồng thời, đang triển khai 01 điểm test nhanh tại cảng Trường Thọ, quận 9, TP.HCM và đang yêu cầu Hiệp hội vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu tập hợp danh sách các công ty vận tải trên địa bàn.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục ĐBVN cũng đề nghị thống nhất trên hệ thống cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo luồng xanh chỉ thực hiện cấp cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, không thực hiện cấp cho xe chở người (chuyên gia và công nhân). Bên cạnh đó các địa phương cần tạo thuận lợi cho xe vận chuyển hàng hóa theo đúng tinh thần Văn bản 7630/BGTVT-VT của Bộ do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ngày 27/7.
Báo cáo tại cuộc họp, Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện toàn TP có 23 chốt trực kiểm soát giao thông ra vào thành phố. Trong 24 giờ qua, hoạt động các chốt ổn định. Đối với các chốt có khả năng ùn tắc, Thành phố đã tổ chức phân ra nhiều lớp kiểm soát để chống ùn tắc. Thành phố cũng đã thông qua kế hoạch tổ chức luồng xanh vận tải qua thành phố chạy trên tuyến vành đai 3 trên cao. Theo đó thành phố sẽ đóng và kiểm soát chặt các đường lên xuống tuyến đường này. Đối với lực lượng vận chuyển hàng hóa bằng xe máy (shipper), đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, Sở chỉ cấp phù hiệu cho các nhân viên của các siêu thị, bưu tá có danh sách do các đơn vị này cung cấp cho Sở và các đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của đội ngũ shipper này.
Đại diện Sở GTVT TP. HCM thông tin, hiện, lưu lượng giao thông trên toàn thành phố giảm 77% so với trước khi thực hiên Chỉ thị 16. Về vận tải thủy lượng tàu, thuyền hoạt động trên các tuyến đường thủy cảng biển giảm 5% hoạt động. Tại các chốt cửa ngõ Thành phố, hoạt động giao thông ổn định, không có ùn tắc.
Các điểm cầu kết nối trực tuyến với Bộ GTVT
Tại cuộc họp, đại diện của các Cục chuyên ngành đã báo cáo tình hình hoạt động phục vụ công tác phòng chống dịch. Theo đó, các hoạt động của các Cục hoạt động bình thường đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên cũng có một số khó khăn khi cán bộ của các đơn vị phải di chuyển khi thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương đang thực hiện giãn cách. Do vậy các Cục đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho các cán bộ, nhân viên của các Cục trong quá trình di chuyển thực hiện nhiệm vụ.
Phát huy tính chủ động của lãnh đạo các đơn vị
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định ngành GTVT đã đảm bảo công tác vừa chống dịch vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa. Thứ trưởng cho rằng trong tình hình dịch bệnh, lưu lượng giao thông chắc chắn sẽ giảm so với điều kiện bình thường. Do đó, tổ chức giao thông sẽ phải dễ dàng hơn trong điều kiện bình thường, hơn nữa đảm bảo giao thông là một trong những nhiệm vụ chính của Ngành GTVT nên không thể để tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra do vậy các Sở cần phải kịp thời nắm bắt tham mưu với lãnh đạo để đảm bảo tốt công tác lưu thông hàng hóa.
Theo kinh nghiệm của Thứ trưởng lê Đình Thọ trong quá trình chỉ đạo Tổ công tác tại các tỉnh phía Nam, lãnh đạo Sở GTVT nào chủ động, trách nhiệm, linh động trong chỉ đạo tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh trong kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa thì giao thông ở đó thông thoáng, không làm đứt gãy nguồn cung ứng.
Thứ trưởng khẳng định, nếu các cơ quan, các lực lượng kiểm tra kiểm soát tổ chức phân luồng từ xa, kiểm soát phân đối tượng từ xa thì chắc chắn sẽ không có ùn tắc. Thứ trưởng lưu ý, việc kiểm tra ở đây không phải kiểm tra hàng hóa mà kiểm tra người lái xe có đảm bảo, có thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó cũng cần phổ biến rõ, kịp thời đến người lái xe, người vận chuyển các thông tin của cơ quan chức năng về công tác phòng chống dịch, từ đó tránh được các bức xúc không đáng có từ đối tượng này, đồng thời để họ hiểu hợp tác, cùng thực hiện đối với các lực lượng chức năng.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở GTVT tham mưu với UBND tỉnh có chủ trương, hướng dẫn gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ phương tiện, lái xe với địa phương trong công tác phòng chống dịch, phù hợp với yêu cầu của Bộ Y tế, của địa phương.
Bên cạnh đó, thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo đúng lĩnh vực thẩm quyền, hạn chế tối đa việc báo cáo, xin ý kiến của cấp trên. Làm được như vậy sẽ giảm thiểu được những vấn đề đang bức xúc hiện nay. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ 100.000 bộ test nhanh, yêu cầu Cục Y tế GTVT có kế hoạch tổ chức test nhanh cho các lái xe tại một số địa phương trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng... Vấn đề này Cục đã làm rất tốt tại các tỉnh phía Nam, nhận được ý kiến, dư luận tốt của các lái xe, các Hiệp hội vận tải.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNTN, Bộ Công thương tham khảo ý kiến và công nhận kết quả của nhau, tránh mỗi Bộ có một ý kiến, hướng dẫn khác nhau dẫn đến những bức xúc của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp PTNT sớm tham mưu Chính phủ ban hành một Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất trong vấn đề vận tải trong tình hình dịch bệnh
Chốt lại cuộc họp Thứ trưởng đề nghị các đơn vị, lãnh đạo các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn không vì hoàn cảnh chống dịch mà ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Ngành GTVT, ngành đi trước mở đường.
DT