Chiều tối 26/12, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Lễ trao giải Báo chí năm 2022 và Phát động “Giải thưởng Báo chí tuyên truyền về An toàn giao thông năm 2023”.
Tham dự buổi Lễ có ông Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện Bộ GTVT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ của các Bộ; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trao giải Nhất cho các tác giả
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, Giải thưởng “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông” là hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 2012 đến nay. Đây là hoạt động có ý nghĩa góp phần biểu dương, tôn vinh, động viên khen thưởng kịp thời những tác giả, tác phẩm báo chí đạt giá trị cao về nội dung, hình thức, tác động và lan tỏa tích cực tới xã hội trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Đây là năm đầu tiên Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông được mở rộng ở cả 4 thể loại báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan báo đài trên cả nước.
Với hơn 500 tác phẩm tham dự đến từ các cơ quan báo chí truyền hình từ trung ương đến địa phương, các trường học, tổ chức xã hội... cho thấy sự lan tỏa và sức hút của Giải thưởng. Điều này cũng cho thấy các vấn đề an toàn giao thông dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn được dư luận quan tâm và nhận được sự chỉ đạo vào cuộc sát sao của Chính phủ, bộ ngành và chính quyền các cấp.
Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng ở 5 thể loại báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử và báo ảnh.
Năm 2022, một số cơ quan báo chí vẫn giữ được số lượng và chất lượng bài viết ổn định như khi tham gia các mùa giải trước. Trong số này phải kể đến các tờ báo có số lượng bài dự thi lớn và chất lượng rất tốt như Báo Nhân dân, Báo Giao thông, Báo VnExpress, Tạp chí GTVT... Bên cạnh đó là sự xuất hiện ấn tượng của Báo Tuổi trẻ thủ đô, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhà báo và Công luận, Báo Gia Lai…Ban tổ chức cũng nhận được nhiều bài tác phẩm phát thanh, truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Nhân dân, Đài tiếng nói Tp. Hồ Chí Minh, Đài phát thanh và truyền hình các tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bắc Giang và của giáo viên các trường học trên nhiều tỉnh thành, điều này cho thấy phong trào truyên truyền về an toàn giao thông của các trường học ở nhiều địa phương rất mạnh.
Với mục tiêu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quyết tâm tạo chuyển biến đột phá, thay đổi diện mạo tình hình trật tự an toàn giao thông, phấn đấu giảm bền vững tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ. Phải kể đến các loạt bài như “ETC quyết tâm chính trị và khát vọng đồng bộ hạ tầng thanh toán điện tử” (Báo Nhân Dân), “Giao thông mở lối kết nối phát triển” (Báo Gia Lai), “Giải pháp giúp người trẻ tham gia giao thông đúng luật” (Báo Kinh tế đô thị) góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những vấn đề tồn tại như xe quá tải, ùn tắc, xe dù, bến cóc tiếp tục được các báo phản ánh theo dòng thời sự và có những đề xuất xử lý cụ thể. Trong đó khá nhiều đề xuất đã được cơ quan chức năng tiếp thu và bước đầu có giải pháp khắc phục. Trong cụm chủ đề này, phải nhắc tới loạt bài điều tra đạt giải Nhất thể loại Báo hình - Loạt Phóng sự điều tra “Xe dù, bến cóc” (Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam). Loạt bài - “Khóa” xe quá tải phải xử lý tận tốc (Ban thời sự VOV1 – Đài Tiếng nói Việt Nam) đạt giải Nhất thể loại Báo nói... Để rồi từ đó có bằng chứng vật chứng giúp cơ quan công an và chính quyền địa phương xử lý vấn nạn.
Loạt bài báo hình “Những vấn đề về thu phí tự động không dừng ETC (Kênh truyền hình VOVTV – Đài Tiếng nói Việt Nam), “Hàng không Việt Nam tăng trưởng “nóng” và những vấn đề an ninh, an toàn đặt ra” (Tạp chí Giao thông vận tải), “Cần xử lý hình sự với hành vi che biển số xe” (Ban Thời sự - Đài truyền hình Việt Nam) chỉ ra những vấn đề rất có tính thời sự cập nhật đang được cả xã hội quan tâm.
Bên cạnh đó, phải kể tới các loạt bài báo nói “Hoạt động vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất: Cần giải pháp mang tính lâu dài” (Đài tiếng nói nhân dân Tp. Hồ Chí Minh), Loạt bài báo in “Tai nạn giao thông Nỗi đau còn mãi (Báo Đồng Nai), Loạt bài An toàn giao thông học đường (Báo Thiếu niên tiền phong và Nhi đồng)….
Một điểm đặc biệt của Giải thưởng tuyên truyền về An toàn giao thông là những vấn đề về văn hóa giao thông, tâm lý người dân khi tham gia giao thông năm nào cũng được báo chí mổ xẻ, phân tích từ đó đề xuất cách tiếp cận thông tin, kiên trì tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông sao cho hiệu quả. Năm nào cũng có những loạt bài gây được tiếng vang. Năm 2022, một số loạt bài ở cụm đề tài này gây được chú ý như Bài đoạt giải Báo hình - Góc nhìn Văn hóa “Văn hóa đi đường (Ban Thời sự - Đài tiếng nói Việt Nam). Bài đoạt giải Báo nói “Xung đột việc đậu, đỗ xe trước cửa nhà dân – Cần có văn hóa ứng xử phù hợp” (Phát thanh CAND – Cục truyền thông CAND). “Hà Giang: Gỡ khó đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người Dân tộc thiểu số không biết nói, viết Tiếng Việt” (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang)
Một điểm nhấn nữa của cuộc thi này là số lượng các bài viết về những hình ảnh đẹp, những gương tốt, việc tốt trong lĩnh vực an toàn giao thông được đề cập rất nhiều. Điều này giúp lan tỏa những năng lượng tích cực ra xã hội, đem lại sự cân bằng trong bối cảnh những thông tin tiêu cực lan tràn trên mạng. Các tác phẩm theo thể loại Emagazine: “Điểm nghẽn giao thông kết nối “cực tăng trưởng” phía Nam (Đài tiếng nói Việt Nam – Cơ quan thường trú Tp. Hồ Chí Minh) và “Những chuyển biến” (Báo Nghệ An). Những câu chuyện về “Chàng trai đi bộ xuyên Việt, hút đinh 63 tỉnh thành” (Báo Nhà báo & Công luận), “Người hùng chuyên cứu người trên biển” (Báo Giao thông)... đã lan tỏa sự ấm áp về tình người, về tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia,
Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi trao Giấy chứng nhận cho các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm dự thi.
Tổng kết lại, với 532 tác phẩm dự thi, Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2022 đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức đã chọn và trao 51 giải thưởng trong đó, có 47 tác phẩm cá nhân đạt giải (22 Giải Khuyến khích, 12 Giải Ba, 9 Giải Nhì, 4 Giải Nhất) và 04 Giải tập thể (Kênh VOV TV, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Báo Giao thông và Tạp chí Giao thông vận tải) ở cả 5 thể loại Báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử và báo ảnh.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá “Báo chí, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của đất nước nói chung và trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói riêng. Trước hết, các cơ quan báo đài, các nhà báo thực hiện chức năng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, báo chí là nơi tiếp nhận, chuyển tải tới Đảng, nhà nước và cơ quan chức năng những mong muốn, yêu cầu cũng như các ý kiến phản biện, những sáng kiến, giải pháp các chuyên gia, những nhà quản lý và người dân đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông giúp cho các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quá trình thực thi nhiệm vụ nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông”.
Tại buổi lễ, thay mặt Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT chính thức phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông năm 2023.
Xuân Nguyên