Tập trung hoàn thành nội dung công việc tồn đọng, chậm tiến độ so với kế hoạch và cam kết

Thứ tư, 11/10/2023 15:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị Giao ban rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng và những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT, sáng nay (11/10), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì.
Hội nghị được tổ chức tại Bộ GTVT và truyền hình trực tuyến tới các đơn vị thuộc Bộ.

Cơ bản hoàn thành hầu hết các mặt công tác

Tại Hội nghị, đánh giá chung việc thực hiện nhiệm vụ toàn Ngành trong 9 tháng đầu năm 2023, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả chủ quan lẫn khách quan nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, sự cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, Bộ GTVT đã cơ bản hoàn thành hầu hết các mặt công tác theo kế hoạch đề ra.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng
tại Hội nghị Giao ban 9 tháng năm 2023

Cụ thể, Bộ trưởng chỉ rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy hoạch, chính sách pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả góp phần giải quyết kịp thời nhiều vấn đề nóng, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm; công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án tiếp tục được triển khai quyết liệt; tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia trọng điểm của ngành cơ bản được bảo đảm, nhiều dự án đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục là một trong những bộ ngành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước; công tác phối hợp với các địa phương trong triển khai các dự án đường vành đai đô thị, các dự án cao tốc nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế được triển khai quyết liệt, hiệu quả, đến nay tất cả các dự án đã khởi công và đang triển khai thi công theo kế hoạch; hoạt động vận tải tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, sản lượng vận tải tăng đều ở các lĩnh vực. Ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm cơ bản được tháo gỡ; công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều thủ tục hành chính đã và đang được cắt giảm, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh; công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong tháng 9 và 9 tháng năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông giảm nhưng số người bị thương tăng, vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe, đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa vẫn còn bộc lộ hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại Hội nghị

“Nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT còn rất nặng nề. Đặc biệt, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công còn lại rất lớn, một số dự án đến hạn hoàn thành, nhiều dự án quan trọng cần tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, Bộ trưởng chỉ đạo đồng thời nhấn mạnh, giai đoạn cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu đi lại, vận tải của người dân, doanh nghiệp tăng cao, ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, bão lũ gây ra. Do đó, để hoàn thành các nhiệm vụ theo mục tiêu đề ra, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, của Bộ GTVT để triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ được giao.


Các đơn vị dự họp theo hình thức trực tuyến

Theo đó, Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan theo dõi, tiếp thu, giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023). Đồng thời, phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam để trình Chính phủ theo đúng kế hoạch; hoàn thành tổng kết Luật Giao thông đường thủy nội địa Việt Nam và Bộ luật Hàng hải Việt Nam trong Quý IV/2023;

Vụ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục tập trung tiếp thu, hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không và Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đồng thời, tập trung hoàn thiện việc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với quy hoạch quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đối với công tác quản lý vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ, Bộ GTVT đã ban hành các Kế hoạch phát triển hoạt động vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh 06 vùng kinh tế theo các nghị quyết của Bộ Chính trị. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch, định kỳ báo cáo về Bộ GTVT qua Vụ Vận tải để làm cơ sở theo dõi, giám sát, chỉ đạo.

 Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Cục quản lý chuyên ngành tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp siết chặt quản lý hoạt động vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hoạt động vận tải để giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải; tiếp tục quản lý chặt chẽ việc điều phối, sử dụng slot của các hãng hàng không; kiểm soát an ninh, an toàn hàng không.

“Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mới, Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hình hình mới”, Bộ trưởng chỉ đạo đồng thời giao rõ nhiệm vụ cho Cục Đường bộ Việt Nam phải lưu ý tập trung xử lý dứt điểm điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo đúng kế hoạch 2023; triển khai hiệu quả công tác phòng, chống lụt bão, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, nhất là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến quốc lộ có đông phương tiện qua lại; đồng thời tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe; khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để nâng cao chất lượng, ngăn chặn kẽ hở có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Bộ trưởng cũng giao Vụ Vận tải với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cần theo dõi, tham mưu Bộ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên để quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức hoạt động vận tải từ sớm để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.         

Chỉ đạo về công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng chỉ rõ, đối với các dự án đang triển khai thi công, yêu cầu các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án bám sát công trường, quyết liệt làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu, bãi đổ thải, chuyển đổi rừng; xây dựng kế hoạch thi công chi tiết khoa học, hợp lý, chỉ đạo nhà thầu thi công huy động tài chính, máy móc, thiết bị, nhân lực tập trung triển khai thi công trong mọi trường hợp, tránh để gián đoạn thi công; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các nhà thầu trong thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán. Tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, cố tình gây khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

“Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án nếu phát hiện không kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cương quyết.

Đối với 02 dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 12/2023, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tập trung chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công hoàn thành các hạng mục theo đúng tiến độ yêu cầu.

Đối với các tuyến cao tốc đã hoàn thành đưa vào khai thác, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác quyết toán và các thủ tục liên quan để bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.

Bộ trưởng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam theo dõi, triển khai các giải pháp hiệu quả để quản lý chặt chẽ về tiến độ, chất lượng các dự án gắn với kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đã đăng ký; chỉ đạo quyết liệt các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án tập trung thi công, hoàn thành các dự án, nhất là các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023; kịp thời báo cáo, đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo tháo gỡ, khó khăn đối với những vấn đề vượt thẩm quyền;

Giao cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT. Đồng thời, tập trung tham mưu Bộ triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc theo đúng quy định, đảm bảo khai thác đồng bộ với các tuyến cao tốc khi đưa vào khai thác;

Giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư theo dõi, bám sát tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, tham mưu Bộ giải pháp điều hòa, điểu chỉnh vốn để đảm bảo giải ngân tối đa kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, tham mưu Bộ giải pháp xử lý nghiêm theo quy định đối với các Chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân chung của Bộ.

Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, đồng thời tham mưu Bộ xây dựng, ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc theo thẩm quyền.

“Cả 02 nhiệm vụ này đều được Thủ tướng chỉ đạo hoàn thành trong tháng 10/2023. Do đó, yêu cầu Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường đặc biệt lưu ý để hoàn thành, báo cáo Thủ tướng theo đúng tiến độ yêu cầu, lưu ý các tuyến được sử dụng thí điểm”, Bộ trưởng chỉ đạo rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu Trung tâm Công nghệ thông tin theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan, đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả, kịp thời đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06. Tuyệt đối không được chậm trễ để ảnh hưởng đến việc chẩm điểm chỉ số cải cách hành chính của Bộ trong năm 2023; Các Cục Quản lý chuyên ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo hiệu quả nhất số vốn đã bố trí cho công tác bảo trì, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng để ứng phó kịp thời với hậu quả bão lũ có thể xảy ra; Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để đảm bảo việc bảo trì được thực hiện đúng quy định; đồng thời tiếp tục tham mưu Bộ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông…

“Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm, đúng hạn và có văn bản trả lời rõ ràng đối với các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu quốc hội, kiến nghị của địa phương gửi đến và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để chậm trễ, nội dung trả lời không đạt yêu cầu. Tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kịp thời tham mưu Bộ chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo kiên quyết.

Tháng 9, tỷ lệ giải ngân đạt 98%

Báo cáo tại hội nghị, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn tác động từ bên ngoài, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, Bộ GTVT đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra theo chương trình công tác.

Nổi bật trong đó, công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục đạt được những kết quả tích. Với quyết tâm tâm hoàn thành đúng kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần “đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa”, Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban QLDA, nhà thầu.

Nhờ đó, các đơn vị thi công bố trí đầy đủ nguồn lực tài chính, trang thiết bị, máy móc, tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc vệ sinh, an toàn lao động, ATGT với tinh thần trách nhiệm cao nhất, quyết tâm ”vượt nắng thắng mưa”, chủ động trong mọi tình huống để thi công đáp ứng tiến độ, chất lượng, đảm bảo kỹ, mỹ thuật công trình.

Lãnh đạo Bộ GTVT đã tăng cường kiểm tra hiện trường, trực tiếp làm việc với đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đề nghị tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB, nguồn cung vật liệu, bãi đổ thải... 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Quốc hội Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan đến đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; tổ chức các hội nghị sơ kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các dự án đường bộ cao tốc; chỉ đạo các ban QLDA khẩn trương kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả quản lý dự án. 

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Bộ GTVT đã tổng hợp báo cáo, tham mưu Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. 

Quyết tâm giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao lớn nhất từ trước tới nay với hơn 95 nghìn tỷ, ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân, yêu cầu giải ngân phải thực chất; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn trong quá trình nghiệm thu, thanh toán. 

Tính đến hết tháng 9/2023, giá trị giải ngân của Bộ GTVT đã đạt 58.000 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 ghi nhận sự nỗ lực lớn của các chủ đầu tư khi sản lượng giải ngân đạt 98% kế hoạch đăng ký.

Trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã khởi công 13 dự án, gồm: 6 dự án đường bộ; 3 dự án đường sắt; 3 dự án hàng hải, đường thủy nội địa và dự án cải tạo trụ sở Bộ GTVT. Cùng với đó, đã hoàn thành 11 dự án, gồm: 1 dự án hàng hải, đường thủy nội địa; 10 dự án đường bộ, trong đó, đã hoàn thành đưa vào khai thác 504 km đường cao tốc.

Từ đầu năm đến nay, công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, kết cấu hạ tầng giao thông được duy trì hoạt động cơ bản ổn định. Bộ GTVT đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực. 

Qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế; đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Đổi mới quản lý, sản lượng vận tải tăng toàn diện

Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, công tác quản lý vận tải cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023, dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, dịp 30/4-1/5, mùa du lịch và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

“Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp lễ, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại. Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện phục vụ,... được cơ quan quản lý triển khai kiểm tra đôn đốc; các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm nhiều so với các năm trước đây”, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định.

Cũng theo Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc, vận tải hàng hóa lũy kế 09 tháng ước đạt 1.686 triệu tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hàng hóa lũy kế 09 tháng ước đạt 360 tỷ tấn.km, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022;  Vận chuyển hành khách lũy kế 09 tháng ước đạt 3.406 triệu lượt khách, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022. Luân chuyển hành khách lũy kế 09 tháng ước đạt 184 tỷ HK.km tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Về công tác đảm bảo TTATGT, theo ông Trần Bảo Ngọc, 9 tháng đầu năm tình hình TTATGT được kiềm chế và kéo giảm về số vụ và số người chết so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: giảm 90 vụ (-1.07%) và giảm 60 người chết (-1.24%).

Cũng trong 09 tháng đầu năm 2023, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 sau khi triển khai thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thành xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.

Toàn Ngành đạt nhiều kết quả tích cực

Với sự nỗ lực của toàn ngành GTVT, trong 9 tháng đầu năm, 13 dự án giao thông lớn đã được khởi công và 11 dự án giao thông đã được đưa vào khai thác theo đúng tiến độ yêu cầu.

Về công tác dịch vụ công trực tuyến, theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm CNTT, thời gian qua, Bộ GTVT tiếp tục duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 72%).

9 tháng đầu năm 2023, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 172.133 hồ sơ (tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 94%), với hơn 105.000 tài khoản sử dụng. So với 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng khoảng 7,8%.

Riêng hệ thống cấp đổi GPLX trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, thời điểm hiện tại, hệ thống cấp đổi tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ/ngày. Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, đề án giao thông thông minh ITS đã được trình Bộ trưởng xem xét. Ngay sau khi được phê duyệt, Cục sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc đang khai thác hiện nay.

"Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN cũng sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm đề án sử dụng CNTT camera giám sát trên một số tuyến quốc lộ cấp 1, tuyến đường trọng yếu", ông Cường chia sẻ.

Đối với lĩnh vực hàng không, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho đến nay, việc thí điểm triển khai thủ tục bay sử dụng sinh trắc học đã kết thúc thí điểm. Theo kế hoạch, nếu thuận lợi, việc ứng dụng này sẽ được triển khai đồng loạt các cảng hàng không từ tháng 11/2023.

H.L

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)