Việt Nam - Thụy Điển thống nhất: Mở đường bay thẳng là cần thiết

Thứ ba, 14/05/2024 18:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 14/5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã hội đàm với Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển Andreas Carlson, cùng các doanh nghiệp Thụy Điển về thúc đẩy hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của

Bộ trưởng Andreas Carlson trong dịp hai nước kỷ niệm 55 năm

thiết lập quan hệ ngoại giao

Chào mừng đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá rất cao chuyến thăm và làm việc này của Bộ trưởng Andreas Carlson trong dịp hai nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là cơ hội để hai bên cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác GTVT giữa hai nước.

Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969. Quan hệ song phương giữa hai nước trong 55 năm qua đã được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư đến văn hóa - giáo dục.

Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt 1,2 tỷ USD. Việt Nam hiện là nước xếp thứ 2 trong châu Á về xuất khẩu sang Thụy Điển. Về đầu tư, Thụy Điển xếp hạng thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 109 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 733 triệu USD. Thụy Điển lả một trong những nước Tây Âu đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hiện đang có hơn 70 công ty Thụy Điển có văn phòng tại Việt Nam và hiện đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hai bên có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác

“Riêng lĩnh vực GTVT, hai bên còn nhiều dư địa, tiềm năng để thúc đẩy hợp tác, hiện thực hóa bằng các hợp tác cụ thể. Như hàng hải, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3000km với hệ thống 34 cảng biển, trong đó có hai cảng biển cửa ngõ quốc tế là Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải. Việt Nam hiện đang triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ vận hành và khai thác cảng biển, mục tiêu phát triển theo mô hình cảng xanh, giảm thiểu ô nhiễm. Vì vậy, hai bên có thể hợp tác trong quản lý, khai thác hệ thống giao thông trong cảng biển, phát triển đội tàu, hệ thống quản lý hàng hải tàu biển (VTS)...”, Bộ trưởng đánh giá.

Nhân dịp này, Bộ trưởng đề nghị hai bên tiến hành đàm phán và tiến tới ký kết Hiệp định hàng hải giữa Việt Nam và Thụy Điển để thúc đẩy, tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác hàng hải hai nước và thúc đẩy tăng trưởng thương mại - đầu tư song phương.

Cần thiết mở đường bay thẳng

Về hàng không, Bộ trưởng cho biết, Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và các quốc gia Scandinavia (gồm Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển) ký chính thức ngày 25/9/1997 đã tạo nền tảng pháp lý cho quan hệ hàng không song phương Việt Nam - Thụy Điển. Tuy nhiên, hiện nay các hãng hàng không của hai nước vẫn chưa thiết lập đường bay thẳng.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành thủ tục phê duyệt Hiệp định Vận tải hàng không Toàn diện ASEAN-EU (Hiệp định AE-CATA). Việc ký kết Hiệp định AE-CATA tạo cơ sở pháp lý cho Việt Nam (thành viên ASEAN) và Thụy Điển (thành viên EU) mở rộng thị trường vận tải hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, du lịch giữa hai nước, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn, an ninh, quản lý hoạt động bay, môi trường và các vấn đề xã hội trong vận tải hàng không quốc tế.

Từ đây, Bộ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các hãng hàng không hai nước, nghiên cứu thiết lập đường bay thẳng giữa Việt Nam và Thụy Điển, biến Việt Nam trở thành cửa ngõ của Thụy Điển đến các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời Thụy Điển sẽ là cầu nối của người dân và doanh nghiệp Việt Nam đến với các quốc gia Bắc Âu.

Nhiều khả năng hợp tác, hướng tới phát triển xanh

Riêng về hợp tác trong lĩnh vực quản lý bay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao hợp tác giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và các công ty của Thụy Điển. Trong đó VATM đang khai thác một số hệ thống thiết bị do các doanh nghiệp Thụy Điển cung cấp như hệ thống camera giám sát, hệ thống hướng dẫn và kiểm soát di chuyển (A-SMGCS). VATM cũng đang phối hợp với Tổ chức Tài chính Phát triển Thụy Điển (SWEDFUND) đàm phán để ký kết Thỏa thuận tài trợ cho Dự án Nghiên cứu khả thi về quản lý thông tin toàn hệ thống (SWIM) và số hóa quản lý hoạt động bay (ATM).

Bày tỏ hy vọng VATM và các đối tác Thụy Điển sẽ tiếp tục có những hợp tác hiệu quả trong thời gian tới, Bộ trưởng giới thiệu với đoàn công tác về các dự án, kế hoạch phát triển sân bay Việt Nam. Trong đó, sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, với tổng công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm sau khi hoàn thành.

Các lĩnh vực đường bộ, đường thủy, đường sắt với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển phương tiện hiện đại tại Việt Nam rất cần các giải pháp về công nghệ, thực hiện mục tiêu giảm phát thải về 0 như cam kết của Việt Nam tại COP26 như: Hệ thống giao thông thông minh (ITS), nhiên liệu xanh... Đây là dư địa để các doanh nghiệp hàng không của Thụy Điển có thể quan tâm, hợp tác đầu tư.

“Giữa hai bên còn nhiều tiềm năng, dư địa để tăng cường hợp tác. Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện thuận lợi, kết nối doanh nghiệp Thụy Điển với doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của Việt Nam để có thể hiện thực hóa bằng các hợp tác cụ thể”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chia sẻ về tiềm năng, các cơ hội hợp tác, Bộ trưởng Andreas Carlson cho biết, Thụy Điển luôn đánh giá cao mối quan hệ đối tác, hợp tác hai bên, mang lại lợi ích cho hai quốc gia, các doanh nghiệp hai nước và còn đóng góp chung vào sự phát triển bền vững toàn cầu. Vì vậy, Thụy Điển luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về các giải pháp sáng tạo trong các dự án, lĩnh vực GTVT về hạ tầng thông minh, giao thông thông minh, chuyển đổi xanh...

Bộ trưởng Andreas Carlson thống nhất với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng
về việc cần mở đường bay thẳng giữa hai nước

Thống nhất với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về việc cần mở đường bay thẳng giữa hai nước, Bộ trưởng Andreas Carlson nhấn mạnh, việc thiết lập đường bay thẳng không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại hai nước, mà còn khai thác được thị trường khách du lịch đang ngày càng tăng. Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác lĩnh vực số hóa quản lý hoạt động bay. Hiện Thụy Điển đã có hệ thống quản lý hoạt động bay từ xa, với tháp không lưu “ảo” để hoạt động các quản lý bay an toàn, hiệu quả.

Lĩnh vực hàng hải, Thụy Điển cũng có bờ biển dài như Việt Nam nên có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, phát triển cảng biển, nhất là mô hình cảng biển xanh, giảm phát thải, chống ô nhiễm môi trường.

Hai bên có nhiều khả năng hợp tác, hướng tới phát triển xanh

“Thụy Điển luôn sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển lĩnh vực GTVT nhằm thực hiện được mục tiêu chung toàn cầu về giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững”, Bộ trưởng Andreas Carlson khẳng định.

H.N

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)