Trong khuôn khổ Kế hoạch mở rộng và tăng tốc phát triển kinh tế (MP3EI) của mình, Chính phủ Inđônêxia đã xác định mở rộng hệ thống cảng biển trong cả nước, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng đồng thời hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh doanh ở Đông Nam Á.
Trong khuôn khổ Kế hoạch mở rộng và tăng tốc phát triển kinh tế (MP3EI) của mình, Chính phủ Inđônêxia đã xác định mở rộng hệ thống cảng biển trong cả nước, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng đồng thời hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh doanh ở Đông Nam Á.
Chính phủ Inđônêxia sẽ dành ưu tiên đầu tư cho kế hoạch nói trên, bởi hoạt động xuất nhập khẩu cho thấy dịch vụ tại các cảng của Inđônêxia vẫn còn thiếu và chi phí cao.
Thư ký Hiệp hội các nhà nhập khẩu Inđônêxia (GINSI), Achmad Ridwan, nói rằng nước này cần sớm nâng cấp và mở rộng hệ thống cảng biển để có thể thúc đẩy ngành chế tạo trong nước nâng cao sức cạnh tranh, bởi nếu không đất nước “Vạn đảo” sẽ không thể có được một hệ thông phân phối đủ năng lực, hiệu quả và đáng tin cậy để đảm bảo bền vững vị trí nền kinh tế số một trong khu vực. Điều này càng trở nên cấp thiết khi Inđônêxia và ASEAN đang nỗ lực hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
Quan chức cấp cao Tổng vụ Vận tải biển thuộc Bộ Giao thông Vận tải Inđônêxia, Leon Muhammad, cho biết nước này có kế hoạch xây dựng một hệ thống gồm 1.900 cảng biển trong cả nước vào năm 2030, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khoảng 439.670 tỷ rupiah (46,112 tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo được khoảng 31,7% (14,618 tỷ USD), và phần còn lại sẽ được huy động từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Inđônêxia, Bambang Susantono, cho biết chỉ riêng các dự án cảng biển giai đoạn 2011-2015 trong khuôn khổ MP3EI đã cần khoản vốn đầu tư 117.000 tỷ rupiah, và Chính phủ Inđônêxia sẽ đảm bảo 42,5% nguồn vốn này và huy động 57,5% còn lại từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, vai trò của chính phủ trong việc phát triển các cảng ở Inđônêxia sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2030, trong khi đóng góp của khu vực tư nhân sẽ tăng dần. Hiện Chính phủ Inđônêxia đang mở rộng các cảng biển chính, mang ý nghĩa chiến lược, gần với các tuyến vận tải biển quốc tế ở Bắc Sumatra, Aceh, Tanjung Priok và Tanjung Perak ở Java, Makassar ở Nam Sulawesi, Bitung và Sorong ở Papua. Ngoài ra, Inđônêxia cũng đang phát triển các cảng container ở Kalibaru, Đông Java và Bắc Sumatra.
Trong 5 năm tới, Chính phủ Inđônêxia có kế hoạch mở rộng ít nhất 26 cảng biển, trong đó có cảng Pontianak ở Tây Kalimantan, Batam ở đảo Riu, Madura ở Đông Java, Cilamaya và Palembang ở Nam Sumatra, Kuala Tanjung ở Bắc Sumatra Panjang ở Lampung, Ambon ở Maluku, Dumai ở Riau, Teluk Bayur ở Tây Sumatra, Makassar ở Nam Sulawesi, Banjarmasin ở Nam Kalimantan, Bitung ở Bắc Sulawesi, Tanjung Emas tại Semarang, Probolinggo ở Đông Java, Balikpapan ở Đông Kalimantan, Jayapura và Sorong ở Papua, Pleihari ở Nam Kalimantan, Sei Gintung, Gorontalo và Pantoloan ở Trung Sulawesi, và Pare-Pare ở Nam Sulawesi.
Ông Bambang Susantono cho biết, trong kế hoạch đưa Inđônêxia trở thành trung tâm kinh doanh của khu vực, việc mở rộng và nâng cấp sẽ được tiến hành đầu tiên với các cảng biển Kuala Tanjung ở Bắc Sumatra và Bitung ở Bắc Sulawesi. Năng lực cảng biển cũng sẽ được đẩy mạnh với mức vận chuyển trung bình năm của mỗi cảng dự kiến đạt 500 triệu tấn than, 107 triệu tấn dầu, 40 triệu tấn dầu cọ, 43 triệu tấn hàng hóa và 42 triệu container tiêu chuẩn (TEU) vào năm 2030.
Hiệp hội Hậu cần và Giao - Nhận Inđônêxia (ALFI) cũng kêu gọi chính phủ đẩy nhanh sự phát triển của các cảng container ở Kalibaru (Bắc Giacácta) trước khi AEC ra đời vào năm 2015. Phó Chủ tịch ALFI Anwar Sata cho biết Chính phủ Inđônêxia cũng đang triển khai việc nâng năng lực cảng Tanjung Priok ở Giacácta, từ 5 triệu TEU lên 18 TEU với tổng vốn đầu tư 2,47 tỷ USD.
Theo TTXVN