Hãng sản xuất ô tô General Motors đang thuyết phục Chính phủ Mỹ cấp phép cho họ quyền được thử nghiệm, sản xuất hàng loạt xe ô tô hoàn toàn tự động, không có bàn đạp phanh, ga hay vô lăng điều khiển.
Ô tô không chân phanh, chân ga và vô lăng của GM
Xe không có bàn phanh, vô lăng
Chiếc xe hoàn toàn tự động, có thể không có chân phanh, chân ga và vô lăng mà GM sắp ra mắt là Cruise AV, một thương hiệu mới của Chevrolet Bolt. Chiếc xe này được thiết kế để hỗ trợ những hành khách không có khả năng mở cửa. Ngoài ra, xe còn có các tính năng khác phục vụ việc nghe/nhìn của khách hàng khuyết tật.
Cruise AV được trang bị các phần mềm và phần cứng tự động lái thế hệ thứ 4 của GM bao gồm 21 radar, 16 camera và 5 thiết bị cảm biến lidar (công nghệ viễn thám mới, chủ động, sử dụng các loại tia laser để khảo sát đối tượng từ xa). Những chiếc xe không người lái này sẽ chạy trên các tuyến đường cố định do hệ thống bản đồ Bolt vạch ra.
Xe không người lái mới của GM sẽ được dùng để cung cấp dịch vụ chia sẻ sắp được thử nghiệm tại San Francisco và trở thành chiếc ô tô chuẩn bị đưa vào sản xuất đầu tiên không có những bộ phận cần thiết để con người điều khiển, tính đến năm 2019. Nhưng GM không tiết lộ họ sẽ ra mắt phương tiện hoặc bắt đầu thử nghiệm tại bang nào.
Ngoài hãng ô tô của Mỹ, hàng loạt các nhà sản xuất phương tiện, các công ty công nghệ, các nhà khởi nghiệp khác cũng đang tìm cách phát triển taxi ro-bot (tức xe taxi tự lái) trong 3 năm tới tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.
Chẳng hạn, Ford Motor cho biết, họ sẽ phối hợp với cùng dịch vụ giao hàng Postmates khi nhà sản xuất ô tô này bắt đầu thử nghiệm các phương án để vận chuyển người, thực phẩm và gói hàng trong mùa xuân này bằng xe ô tô tự động lái do hãng sản xuất. Một vài công ty khác từ Uber đến Alphabet đã và đang thử nghiệm các mẫu xe tự động lái nhưng hạn chế trong dịch vụ chia sẻ xe.
Sở dĩ, GM cùng các công ty sản xuất ô tô khác muốn tự kiểm soát xe tự động lái vì họ nhận thấy lợi nhuận rất lớn khi kinh doanh các dịch vụ liên quan từ thương mại điện tử đến giải trí cho hành khách trên các phương tiện này.
Tại buổi cung cấp thông tin tổ chức vào cuối năm ngoái tại San Francisco, ông Ammann của GM trao đổi với các nhà đầu tư rằng, lợi nhuận từ một ô tô tự lái của hãng có thể là “hàng trăm nghìn USD”, cao hơn nhiều so với lợi nhuận trung bình chỉ 30.000 USD mà GM thu được hiện nay trên một phương tiện thông thường, hầu hết là từ doanh số bán ban đầu.
Thuyết phục bỏ rào cản pháp lý
Để đạt được mục tiêu này, GM phải thông qua rào cản về pháp lý khi hiện nay cơ quan chức năng chưa có quy định quản lý xe không có bàn đạp chân ga, chân phanh và vô lăng điều khiển.
Chủ tịch Công ty GM, ông Dan Ammann cho biết, hãng đã trình đơn xin chấp thuận từ Chính phủ để ra mắt “phương tiện sẵn sàng đưa vào sản xuất đầu tiên và không có vô lăng, bàn đạp hoặc các bộ phận điều khiển thủ công không cần thiết khác”.
Theo các Giám đốc điều hành, GM đã yêu cầu Cục An toàn giao thông Đường bộ quốc gia để thay đổi 16 luật an toàn phương tiện hiện tại - như trước ghế tài xế vẫn có túi khí nhưng không có bánh lái - để đủ điều kiện ra mắt xe Cruise AV.
Cuối tuần qua, Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ xác nhận, GM đã gửi đơn đề nghị được cấp phép khai thác 2.500 phương tiện không có bánh lái hoặc người điều khiển phương tiện. “An toàn là ưu tiên hàng đầu của Bộ Giao thông.
Bộ sẽ xem xét và cân nhắc một cách cẩn thận”, cơ quan này cho biết. Bản thân Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Elaine Chao khẳng định, Chính phủ Mỹ sẽ công bố hướng dẫn ô tô tự lái sửa đổi vào mùa hè này và viết lại các quy định gây cản trở pháp lý cho phương tiện tự động lái.
“Công nghệ đã có ở đây, câu hỏi đặt ra chúng ta phải quản lý như thế nào để vừa thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn giao thông”, bà Chao nói.
Khi vượt qua rào cản này, nhà sản xuất ô tô cần phải xin các giấy phép tương tự ở mỗi bang của Mỹ. Các Giám đốc điều hành của GM cho biết, 7 bang của Mỹ đã cấp phép cho hãng này thay đổi.
Ở một số bang khác - bao gồm những bang yêu cầu ô tô bắt buộc phải có tài xế là người có bằng lái điều khiển - GM sẽ làm việc với giới chức từng bang để thay đổi hoặc nới lỏng các quy định hiện hành.