“Cơn sốt” công nghệ phát wifi trên máy bay

Thứ hai, 23/04/2018 15:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Công nghệ vệ tinh cho phép cung cấp wifi trên máy bay đã phát triển đến mức ngày càng nhiều hãng hàng không mong muốn sử dụng, tạo ra một “cơn sốt” chạy đua giữa các nhà cung cấp.

Các bộ định tuyến wifi bay được gắn vào máy bay thử nghiệm Boeing B757

Wifi trên máy bay sóng mạnh như ở nhà

Theo báo cáo năm 2018 của Routehappy, cơ quan chuyên cung cấp thông tin về các tiện nghi trên chuyến bay, wifi hiện đã tiếp cận tới 43% trong tổng số dặm hành khách (seat miles - công cụ đo lường tính theo đoạn đường chở một hành khách đi qua một dặm) trên toàn thế giới, tăng 10% so với đầu năm 2017.

Theo Routehappy, loại wifi tốt nhất có thể cung cấp kết nối nhanh như wifi tại nhà, đủ khả năng phân phối nội dung truyền hình số bằng mạng internet (streaming media), hiện có sẵn trên 16% tổng số dặm khách có trên toàn cầu, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

“Công nghệ này cuối cùng đã phát triển đến mức các hãng hàng không không còn e ngại chọn công nghệ thế hệ mới nhất để áp dụng trên máy bay của mình”, Jason Rabinowitz, Giám đốc Công ty nghiên cứu hàng không tại Routehappy cho biết.

Các "thượng đế" đi máy bay sẽ tha hồ truy cập, sử dụng internet trên không

Thế nhưng, vấn đề duy nhất khiến các hãng hàng không chần chừ đó chính là chi phí. Công nghệ này không hề rẻ. Công ty Lufthansa Systems cho biết, chi phí lắp đặt hệ thống này có thể lên tới hàng trăm nghìn euro. Các hãng hàng không có thể tạo ra thu nhập qua việc cung cấp dịch vụ wifi trên máy bay bằng cách kêu gọi các nhà tài trợ.

Chẳng hạn, như cách hãng hàng không JetBlue đã thực hiện với Amazon để khách hàng trên máy bay của hãng này được sử dụng băng thông miễn phí trên máy bay.

Các hãng cũng có thể tính phí khách hàng như cách các khách sạn đang thực hiện. Việc cho phép khách hàng kết nối với nền tảng phần mềm trên máy bay đồng nghĩa sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không cơ hội tăng lợi nhuận thông qua bán lẻ trên máy bay hoặc qua đặt nhà hàng và taxi ngay trên máy bay.

Inmarsat dẫn một nghiên cứu gần đây do Viện Kinh tế London công bố đã dự đoán việc mở rộng băng thông có thể tạo cho các hãng hàng không thêm 30 tỉ USD lợi nhuận từ dịch vụ phụ trợ tính đến năm 2035, gần gấp đôi lợi nhuận hiện nay.

Panasonic Avionics tại Hamburg vừa công bố hợp tác với công ty bán lẻ và cung cấp thực phẩm trên phi cơ Gate Group để giúp các hãng hàng không cắt giảm chi phí qua việc phân tích dữ liệu, giúp họ dự đoán chính xác loại thực phẩm hoặc các sản phẩm hàng hoá mà các hãng nên tích trữ để giảm trọng lượng hàng hoá cũng như tránh lãng phí.

Đua nhau giành “miếng bánh” thị trường

Sự phát triển của wifi trên máy bay đã thu hút hàng loạt công ty từ các doanh nghiệp về vệ tinh như Viasat và Inmarsat đến các nhà cung cấp kết nối như: Gogo, Global Eagle, Panasonic Avionics hoặc các công ty về phần cứng và phần mềm như Lufthansa Systems và Lufthansa Technik.

Ông Jan-Peter Gaense, người phụ trách về trải nghiệm sản phẩm khách hàng và giải pháp tại Lufthansa Systems nhận định: “Tôi cảm thấy thời điểm này thị trường wifi như đang lên cơn sốt vàng”. Nhận định của ông được đưa ra tại Hội chợ thương mại Aircraft Interiors ở Hamburg diễn ra khoảng trung tuần tháng 4.

Tuy nhiên, cạnh tranh “miếng bánh” trên thị trường wifi máy bay ngày càng khó khăn. Ông Gaense dự đoán, thị trường sẽ sớm chứng kiến những làn sóng sáp nhập. Trong số 17 công ty kết nối hiện nay, sẽ chỉ còn một số ít công ty tồn tại trong tương lai.

Giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt, một số công ty cung cấp internet đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như Gogo đang cung cấp dịch vụ vệ tinh cho khách hàng là hãng hàng không American Airlines. Tuy vậy, hãng hàng không của Mỹ đang chuẩn bị gỡ bỏ hệ thống của Gogo và chuyển sang Viasat vì hoạt động liên tiếp gặp nhiều vấn đề, khi đó lợi nhuận của Gogo trong năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng.

“Bối cảnh hiện nay thực sự cạnh tranh nhưng cạnh tranh trong thị trường đang phát triển. Nó sẽ giúp các công ty nhanh nhẹn hơn và luôn luôn sáng tạo”, Giám đốc Công nghệ của Gogo Anand Chari cho biết trong một sự kiện tại Hamburg. Gogo đang tìm cách để phần mềm hiện tại của họ có thể phù hợp với các công nghệ mới, có thể áp dụng với các vệ tinh ở quỹ đạo thấp.

Không riêng Gogo, Công ty vệ tinh Inmarsat đã cắt bớt các hạng mục khác để tập trung đầu tư vào wifi trên máy bay. Ông David Bartlett, Giám đốc công nghệ đến từ Panasonic Avionics cho biết: Tất cả người chơi đều đang nỗ lực để chộp được một “miếng bánh” trên thị trường. “Nó sẽ tạo ra khoảng cách để phân biệt rõ những công ty có thể trụ vững dài hạn, duy trì doanh nghiệp với tình hình tài chính thể hiện rõ ràng”, ông Barlett nói.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)