Tiếp viên, nhân viên bán vé cũng có thể thành phi công

Thứ ba, 24/07/2018 10:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Delta Air Lines, hãng hàng không lớn thứ hai nước Mỹ dự định sẽ tuyển thêm 8.000 phi công trong vòng 10 năm tới.

Phi công hãng hàng không Delta

Delta Air Lines - hãng hàng không lớn thứ hai nước Mỹ dự định sẽ tuyển thêm 8.000 phi công trong vòng 10 năm tới. Chiến lược của Delta Air Lines đã biến ước mơ lái máy bay không còn quá xa vời với nhiều người khi hãng này cho phép cả tiếp viên, nhân viên bán vé cùng các nhân viên bình thường khác có cơ hội ngồi ghế cơ trưởng, điều khiển các chuyến bay thương mại.

Cho nghỉ không lương để học phi công

Theo kế hoạch vừa được hãng Delta công bố trung tuần tháng 7, Delta sẽ thực hiện một chương trình tổng thể trên quy mô lớn mang tên chương trình Con đường trở thành phi công Delta, trong đó tạo cơ hội cho nhân viên nghỉ không lương để tham gia vào trường học lái máy bay. Nếu đạt tiêu chuẩn, họ có thể chuyển từ vị trí một nhân viên thông thường sang lái phi cơ cho Delta.

Hãng cũng mở cơ hội việc làm cho các sinh viên đại học có đam mê với bầu trời để biến con đường đến với nghề phi công trở nên hấp dẫn và dễ dàng hơn. Delta sẽ nhận đơn đăng ký từ tháng 8 với sinh viên đến từ 8 trường đại học có dạy về hàng không đáng tin cậy bao gồm: Đại học Auburn, Đại học Hàng không Embry-Riddle, Đại học North Dakota…

Delta sẽ hợp tác với các trường nói trên để đào tạo phi công tiềm năng trong 42 tháng. Các phi công tiềm năng này được trực tiếp tích luỹ kinh nghiệm qua các hoạt động bay với một hãng hàng không tư nhân của hãng, hướng dẫn các sinh viên khác, làm việc cho các đối tác trong khu vực của Delta hoặc lái máy bay quân sự.

Đối với nhân viên công ty, Delta cho biết, họ sẽ làm việc 42 tháng tại một hãng hàng không khu vực của Delta (bay các tuyến ngắn) trước khi quay về hoạt động tại trụ sở chính. Cả nhân viên của hãng và sinh viên đều được một phi công đang hoạt động của Delta hướng dẫn kèm.

Hãng Delta đã xây dựng chương trình tuyển dụng trong nhiều năm và sẽ hợp tác với các hiệp hội chuyên nghiệp như Tổ chức Hàng không chuyên nghiệp cho người da đen, Tổ chức Hàng không quốc tế cho phụ nữ, Hiệp hội Quốc gia liên kết các trường đào tạo bay, Hiệp hội Phi công đồng giới quốc gia để khuyến khích các học sinh từ cấp 3 sớm theo đuổi nghề hàng không.

Không chỉ hãng hàng không lớn thứ 2 của Mỹ đang rốt ráo tìm cách đào tạo phi công mới mà nhiều hãng hàng không khác cũng đang theo đuổi các chương trình tuyển dụng riêng.

Trước đó, American Airlines đã cho các sinh viên trong ngành hàng không vay tiền học. Hãng Jet Blue đang mở rộng chương trình Lựa chọn cánh cổng phi công vốn được khởi xướng từ năm 2016.

Chương trình đào tạo kéo dài 4 năm được thiết kế để đào tạo tất cả mọi người trở thành phi công thương mại. Năm 2017, chương trình đã chọn được 24 ứng viên mới. Đầu năm nay, Bộ Giao thông Mỹ ra mắt Sáng kiến nghiên cứu lực lượng bay để giúp đỡ các cựu chiến binh trở thành phi công.

Gốc rễ nằm ở lương và chi phí đào tạo

Chiến lược nói trên được Delta Air Lines và nhiều hãng hàng không khác tung ra nhằm giải quyết những nỗi lo về thiếu hụt phi công trầm trọng. Delta ước tính, hãng sẽ cần thuê thêm hơn 8.000 phi công trong 1 thập kỷ tới trong bối cảnh hơn 13.000 phi công chuẩn bị về hưu theo quy định bắt buộc của liên bang (quá 65 tuổi) hoặc chuyển sang công ty khác.

Lực lượng phi công ngày càng già đi trong khi nhu cầu hàng không toàn cầu lại tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, Boeing - nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới ước tính, toàn cầu cần 637.000 phi công mới tính đến năm 2036, riêng khu vực Nam Mỹ chiếm 18%.

Thực chất, theo phân tích của các nhà nghiên cứu, chi phí đào tạo và lương khởi điểm thấp là một trong những rào cản lớn nhất đối với những người muốn tiếp cận ngành phi công.

Cụ thể, Trường bay ATP - một trong những trường mà Delta khuyến khích các ứng viên nội bộ tham gia, có chi phí khoảng 80.000USD đối với học viên chưa có kinh nghiệm. Chưa kể, người học cũng phải đào tạo lâu hơn.

Sau vụ tai nạn năm 2009 khi máy bay Colgan Air gặp nạn do lỗi phi công, 5 năm trước, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đã nâng quy định về kinh nghiệm bay tối thiểu để trở thành một phi công lái máy bay chở khách lên 1.500 giờ so với 250 giờ như trước.

Về lương phi công, hiện hãng Delta chưa tiết lộ con số chính thức nhưng lương phi công trung bình tính đến tháng 5 năm nay là 78.740 USD/năm, theo ước tính từ Cơ quan Thống kê lao động.

Hiệp hội Phi công hàng không (ALPA), công đoàn đại diện cho Delta, United và nhiều hãng hàng không khác cho biết, lương phi công ở các hãng trong khu vực chưa bằng một nửa con số trên. Cơ trưởng tại các hãng hàng không lớn có thể nhận mức lương hơn 100.000 USD/năm.

Nhận định về việc tuyển dụng phi công mới, ông Roger Phillips, người phát ngôn ALPA cho biết: “Nếu các công ty trả cao, nhân viên tự khắc sẽ tới”.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)