Mỹ xây cao tốc trải pin năng lượng mặt trời đầu tiên

Thứ năm, 02/08/2018 09:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đa phần mọi người đều cho rằng, đường cao tốc gây ô nhiễm môi trường nhưng gần 30km cao tốc tại bang Georgia vừa được hoàn tất đã bắt đầu giúp người dân Mỹ thay đổi suy nghĩ.

Gần 30km cao tốc tại bang Georgia vừa được hoàn tất
đã bắt đầu giúp người dân Mỹ thay đổi suy nghĩ

Đường cao tốc “3 không”

Mỹ hiện có 164 nghìn dặm (tương đương 263.932km) đường cao tốc trải dài khắp đất nước, gấp 6,5 lần một vòng thế giới. Hàng trăm nghìn km đường cao tốc làm phát sinh tổng cộng 5 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm và chứng kiến 35 nghìn vụ tai nạn chết người chỉ tính riêng trong năm 2015.

Để cải thiện mức độ an toàn và thân thiện môi trường của các tuyến đường cao tốc liên bang, một công ty bang Georgia, Mỹ đã xây dựng một đoạn cao tốc dài 18 dặm (28 km) với mục tiêu con đường bền vững đầu tiên trên thế giới.

Đường này mang tên Cao tốc tưởng nhớ Ray C. Anderson, viết tắt là “The Ray”, nằm trên đường cao tốc liên bang 85 tại miền Tây Nam Georgia. Được xây dựng theo phương thức bảo vệ môi trường, đúng tinh thần Ray C. Anderson - người sáng lập hãng sản xuất thảm Interface Inc., được biết đến với biệt danh “người yêu môi trường nhất nước Mỹ”. Đoạn cao tốc này cũng do chính công ty “The Ray” xây dựng. Bà Harriet Langford, con gái của ông Anderson là người sáng lập và làm chủ tịch.

Khi xây dựng đường, công ty đặt mục tiêu “3 không”: Không khí thải, không TNGT chết người và không lãng phí. Để hiện thực hóa mục tiêu đầu tiên, Ray đã lát đường bằng những tấm pin mặt trời và sử dụng dự án làm khu thử nghiệm thực tế để phát triển công nghệ đường pin năng lượng thái dương trong tương lai. Ngoài ra, họ còn thiết kế cây cỏ trồng hai bên giúp hấp thụ khí carbon và làm ổn định bề mặt đất.

Công ty còn xây dựng trạm sạc điện cho phương tiện chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên của bang Georgia tại Trung tâm dịch vụ khách hàng của "The Ray". Trung tâm này cho phép tất cả các phương tiện chạy bằng điện trên đường cao tốc dài từ Alabama đến Atlanta có thể sạc điện một cách thuận tiện.

Ngoài ra, công ty "The Ray" còn dựng hệ thống đo áp suất lốp giúp nâng cao an toàn đường bộ. Sau khi ô tô di chuyển qua hệ thống này, có thể ghé qua một kios để nhận phiếu bằng giấy hoặc nhập số điện thoại và nhận tin nhắn thông báo về tình trạng áp suất lốp xe.

“Chúng tôi không nghĩ đến những cách xây dựng đường phố thông minh hơn, có thể giao tiếp với tài xế mà tìm cách nào đó để đường cao tốc có thể ngày càng thông minh, thân thiện với môi trường”, bà Harriet Langford chia sẻ.

Có thể trở thành hình mẫu cao tốc Mỹ tương lai

Để xây dựng và bảo trì con đường này, ông Allie Kelly - Giám đốc điều hành Tổ chức The Ray cho biết, công ty đã chi khoảng 1 triệu USD/năm bao gồm chi phí cho nhân viên và dự án đường cao tốc.

Tiền được trích từ Quỹ Ray C. Anderson, các khoản đóng góp cá nhân và hợp tác doanh nghiệp. Năm nay, The Ray sẽ nhận thêm hỗ trợ tài chính từ Sở Giao thông Georgia, đối tác chính của công ty.

Sự ra đời của đoạn đường dù rất ngắn này đang nhận được lưu tâm từ giới quan sát và quan chức Chính phủ. Theo bà Ray Hill, giảng viên cấp cao ngành kinh doanh tại Đại học Emory, cơ quan chức năng rất cần những thông tin hữu ích về cách xây dựng và vận hành con đường này (bao gồm cả chi phí và kinh nghiệm…) từ "The Ray" để tiến tới áp dụng sâu rộng trên cả nước nếu nhận thấy hiệu quả.

Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Donald Trump và Quốc hội đang nỗ lực biến kế hoạch xây dựng hạ tầng giao thông đầy tham vọng thành hiện thực với nhiều khoản đầu tư vào đường bộ và giao thông. Chắc chắn, giới chức cũng không bỏ qua những công nghệ mới như "The Ray" đang áp dụng để xây dựng đường cao tốc an toàn và bền vững hơn.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)