Tranh cãi đi xe scooter điện không đội mũ bảo hiểm ở California

Thứ hai, 01/10/2018 08:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong khi nhiều thành phố trên thế giới cho phép sử dụng xe scooter điện bắt buộc người điều khiển phương tiện phải đội mũ bảo hiểm (MBH), bang California (Mỹ) lại thông qua dự luật cho phép người lái xe scooter điện không nhất thiết phải đội loại MBH. Quyết định này đã vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận.

Người điều khiển xe scooter từ 18 tuổi trở lên tại California không cần đội MBH

Giúp giảm tắc nghẽn, kích cầu du lịch

Khoảng trung tuần tháng 9, Thống đốc bang California Jerry Brown đã ký thông qua dự luật trong đó không yêu cầu người đi xe scooter điện trên 18 tuổi phải đội MBH.

Nghị sĩ đảng Cộng hoà đại diện cho TP Ripon, ông Heath Flora, tác giả của dự luật cho rằng, các công ty khởi nghiệp cho thuê xe scooter tại California như Bird, Lime có thể giúp kéo giảm tắc nghẽn trên đường phố California, giảm khí thải từ ô tô từ đó hỗ trợ bang đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Vì vậy, tác giả dự luật cho rằng, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để người trên 18 tuổi thoải mái lựa chọn đội MBH hay không khi đi xe scooter. Ngoài ra, ông cho biết thêm, ở nhiều thành phố, xe scooter rất hấp dẫn khách du lịch và một số người có lẽ sẽ ngại dùng phương tiện này vì phải đội MBH.

Hiện tại, các công ty cho thuê xe scooter đã có mặt rộng rãi trên nhiều thành phố nước Mỹ. Các công ty này nhanh chóng chiếm được sự quan tâm của người dân, điển hình, công ty Bird đang hoạt động ở hơn 10 thành phố của California bao gồm Berkeley, San Diego và San Jose.

Luật quản lý scooter dự kiến có hiệu từ ngày 1/1/2019. Quyết định này rất được các hãng cho thuê xe scooter như Bird hoan nghênh bởi trước khi được công bố, trong thời gian chờ đợi nghiên cứu, tìm giải pháp quản lý, nhiều thành phố của California như San Francisco đã phải cấm sử dụng xe scooter vì lo ngại người sử dụng không đội MBH, đi lên vỉa hè và vi phạm luật pháp, vứt xe bừa bãi gây mất trật tự đô thị.

Ý kiến trái chiều

Mặt khác, Luật Scooter khiến nhiều nhà vận động về an toàn lo ngại có thể dẫn tới nhiều vụ TNGT gây thương vong. Ông Christopher Colwell, Giám đốc Y tế Khẩn cấp tại Bệnh Đa khoa San Francisco cho rằng, bệnh viện này chứng kiến nhiều vụ người đi xe scooter đâm vào ô tô và bị thương nghiêm trọng.

Gần đây, ông Colwell đã chữa trị cho hai người đi xe scooter không đội MBH và bị chấn thương sọ não. Thậm chí, cùng ngày luật được công bố, đã xảy ra vụ một người đàn ông tại Dallas, 24 tuổi tử vong vì chấn thương đầu sau khi ngã khỏi xe scooter thuê của hãng Lime.

Đây cũng là trường hợp tử vong đầu tiên liên quan đến phương tiện này trên toàn nước Mỹ trong năm 2018. Nạn nhân gặp tai nạn khi đang lái xe scooter Lime từ nhà hàng nơi anh làm việc về nhà trong khi không đội MBH.

Nạn nhân được phát hiện bất tỉnh, bị thương nặng vào sáng sớm 1/9, cách đó vài mét là chiếc scooter gãy đôi. Sự việc đã khiến nhiều người hoang mang lo ngại về quyết định mới của chính quyền địa phương.

Đáp lại lo lắng trên, tác giả dự luật cho rằng: “Với tôi, việc đội mũ bảo hiểm hay không thuộc về trách nhiệm cá nhân”. Một số người đã sử dụng phương tiện này như TS. Kevin Soh, người đứng đầu một nhóm người chuyên sử dụng xe scooter cho rằng, rủi ro khi điều khiển phương tiện này khá thấp.

Tôi đã đạp xe 30 năm nay và chưa bao giờ bị ngã, chấn thương đầu. Rủi ro này lại càng thấp hơn đối với xe scooter điện bởi trọng tâm dồn ở vị trí thấp, người dùng dễ dàng nhảy khỏi xe. Hơn nữa, theo luật hiện hành, loại xe này chỉ được phép di chuyển với tốc độ tối đa khá chậm là 25km/h.

Bản thân TS. Soh, 52 tuổi cũng đang sử dụng loại xe 2 bánh này để đi làm hàng ngày với chặng đường dài 5km và ông thường chạy với tốc độ chỉ khoảng 15km/h.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)