Cuộc cách mạng về giao thông trong khu vực
Tới đây, một mạng lưới đường sắt xuyên lục địa được kết nối sẽ tăng cường giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước không có cảng biển...
Tới đây, một mạng lưới đường sắt xuyên lục địa được kết nối sẽ tăng cường giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, đặc biệt là đối với các nước không có cảng biển...
Một hành trình bằng xe lửa từ Singapore tới Thượng Hải, từ Seoul tới Samarkand (Uzbekistan) sẽ không còn là giấc mơ của người dân châu Á, nó sẽ sớm trở thành hiện thực sau khi một bản thỏa thuận liên chính phủ về xây dựng Mạng lưới đường xe lửa xuyên á (TARN) có hiệu lực từ tháng 6/2009.
Cuộc cách mạng trong giao thông này đã đạt được sau khi ấn Độ, Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, Nga, Tajikistan và Thái Lan phê chuẩn một hiệp định quốc tế xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa. Theo ông Jang Hyun Choi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Hàn Quốc thì dự án này là một dấu mốc lịch sử và nó sẽ biến ý tưởng con đường xuyên á của ủy ban Xã hội và Kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) từ cách đây nửa thế kỉ, trở thành hiện thực.
Còn theo bà Noeleen Heyzer, thư kí điều hành của (ESCAP): “Thỏa thuận này ra đời đúng thời điểm, nó sẽ giúp khu vực thúc đẩy được hoạt động thương mại nội bộ để kích thích kinh tế phục hồi nhanh hơn”. Đặc biệt, tuyến đường sắt sẽ là phương tiện vận chuyển một khối lượng lớn hàng hóa với chi phí thấp. Từ đó giúp hàng hoá lưu thông và phân phối hài hòa giữa các khu vực.
Hy vọng thúc đẩy thương mại nội bộ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh hoạt động thương mại của các nước trong khu vực châu á thấp hơn nhiều so với kim ngạch thương mại của những khu vực khác trên thế giới. “Con đường Tơ lụa” mới có tổng chiều dài 114.000 km, nối liền 28 quốc gia, có 106.000 km đã có sẵn, trong đó có phần nằm ở những nước đã phê chuẩn hiệp ước là: Azerbaijan, Bangladesh, Myanmar, Iran, Lào, Malaysia, Uzbekistan và Việt Nam. Ước tính, chi phí cho việc xây dựng 8.000km đường sắt mới sẽ là 25 tỷ USD.
Tuyến đường sắt xuyên á cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện kinh tế cho 12 nước trong khu vực không có cảng biển, trong đó có Lào. Điều này sẽ giúp giảm tải tình trạng đói nghèo ở khu vực (hiện nay châu á có 950 triệu người thuộc dạng nghèo đói). Barry Cable, Giám đốc phụ trách vận tải và du lịch của ESCAP cho rằng, triển vọng phát triển các cảng trên đất liền ở trong mỗi nước sẽ được kết nối nhờ tuyến đường sắt xuyên á. Các cảng nội địa này sẽ đóng vai trò quan trọng như các cảng biển. Chúng tạo đà phát triển kinh tế mới, giúp thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa các tỉnh nghèo ở khu vực trung du miền núi với các tỉnh duyên hải giàu có.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt xuyên á cũng gặp phải không ít thách thức. Nó đòi hỏi các nước phải hết sức nghiêm túc trong việc ủng hộ kế hoạch lịch sử này, trong đó có thách thức về thủ tục hải quan, thủ tục nhập cư... mỗi khi xe lửa đi qua biên giới các nước. Bởi vì chính những thủ tục này cũng đang là thách thức cản trở hoạt động của tuyến đường giao thông khác là Mạng lưới quốc lộ châu Á (AHN) đã được chính quyền các nước bật đèn xanh sau khi phê chuẩn một thỏa thuận quốc tế hồi tháng 7/2005, giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa 32 nước châu á, trải dài từ Nhật Bản tới Thổ Nhĩ Kỳ được thuận lợi hơn.
Nhưng, cho đến nay, thách thức lớn nhất khiến mạng lưới đường bộ và đường sắt ở châu á ít được tiến triển vẫn là sự không tin tưởng lẫn nhau giữa các nước trong khu vực sau hàng thập kỷ chiến tranh lạnh. Bởi vì, biên giới giữa các nước vẫn còn nhiều tranh chấp như giữa ấn Độ và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Nga, giữa ấn Độ và Pakistan...
Dù sao đi nữa, bản cam kết của 7 nước vừa qua vẫn là một bước tiến lớn, một khi các nước vượt qua được rào cản này, nó sẽ giúp các nước phát triển hơn, thậm chí là cải thiện được nhiều mối bất đồng khác.
GTVT
GTVT