Toyota vừa tự nghiên cứu vừa không ngừng tìm kiếm các đối tác mạnh cung cấp pin nhiên liệu cho xe điện của hãng này chế tạo.
Toyota tìm thêm đối tác cung cấp pin để đảm bảo nguồn cung cho xe điện
Xe điện (EV) được nhận định là tương lai không xa của giao thông thế giới. Điều quan trọng nhất làm nên “linh hồn” loại xe này đó chính là pin xe mạnh và bền, có khả năng cung cấp năng lượng cho phương tiện chạy đường dài, thời gian nạp pin nhanh. Giữa cuộc đua xe điện toàn cầu, hãng nào nắm bắt được công nghệ và nguồn cung cấp pin tốt đồng nghĩa làm chủ cuộc chơi. Đó chính là lý do Toyota vừa tự nghiên cứu vừa không ngừng tìm kiếm các đối tác mạnh cung cấp pin nhiên liệu cho xe điện của hãng này chế tạo.
Ký thêm đối tác cung cấp pin
Theo hãng tin Bloomberg, Tập đoàn Motor Toyota vừa đồng ý mua pin từ Công ty TNHH Công nghệ Contemporary Amperex (CATL) có trụ sở tại thị trấn Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc theo hợp đồng đối tác mở rộng.
Đây được coi là bước đi nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho phương tiện tương lai. Hãng xe của Nhật chỉ là một trong hàng loạt công ty chế tạo ô tô toàn cầu đang chạy đua để tiếp cận nguồn pin khổng lồ đón đầu nhu cầu phát triển ô tô điện không ngừng tăng nhanh trong bối cảnh công suất và khả năng tiếp cận nguyên liệu thô sản xuất pin còn hạn chế.
“Điều quan trọng là Toyota hợp tác với CATL để đảm bảo nguồn cung pin bền và chất lượng cao. Quan hệ đối tác này là động thái tự nhiên trong tiến trình điện hóa ô tô”, ông Tatsuo Yoshida, nhà phân tích tại công ty Quản lý Tài sản Sawakami nhận định.
“CATL và Toyota cùng đồng ý, việc cung cấp pin ổn định là quan trọng nhất và cần phải phát triển, cải tiến công nghệ pin hơn nữa”, thông báo từ Toyota cho biết.
Sau nhiều năm tập trung vào công nghệ xe lai điện (hybrid) và pin nhiên liệu, Toyota đang theo đuổi ô tô chạy hoàn toàn bằng điện. Nhà sản xuất mẫu xe lai điện Prius dự đoán đến năm 2025, doanh số xe điện/năm trên toàn cầu sẽ vào khoảng 5,5 triệu chiếc.
Thỏa thuận với CATL sẽ giúp Toyota đa dạng hóa nguồn cung. Bởi từ khi thành lập vào năm 2011, CATL đã vượt mặt Panasonic trở thành nhà cung cấp pin xe EV lớn nhất thế giới về doanh số trong năm 2017 nhờ tăng nhu cầu nội địa. Không chỉ có Toyota, rất nhiều hãng xe Trung Quốc cùng một số ông lớn trong ngành ô tô như BMW và VW đều là khách hàng của họ.
Trước đó, hãng xe Nhật cũng đạt thỏa thuận pin với công ty BYD của Trung Quốc và đang dự định lập công ty liên doanh với Panasonic - nhà cung cấp pin chính cho hãng xe điện Tesla vào năm tới.
Panasonic vốn cung cấp pin lithium-ion cho một số mẫu xe của Toyota bao gồm xe lai điện Prius. Việc kết hợp được với một đối tác tại Trung Quốc là cực kỳ quan trọng. Bởi “sự phát triển của sản xuất địa phương và tiêu thụ nội địa tại nước này mang tính quyết định”, ông Yoshida cho biết.
Tự nghiên cứu và phát triển pin thể rắn
Ngoài việc tìm kiếm nguồn cung bên ngoài, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Á cũng tổ chức riêng một đội ngũ nghiên cứu và phát triển công nghệ pin xe điện thể rắn.
Thiết kế pin thông thường - hầu hết là pin lithium-ion - sẽ có 2 điện cực rắn và chất điện giải là chất lỏng nên dễ bị cháy nổ… Với thiết kế pin thể rắn, các điện cực và chất điện giải đều ở dạng thể rắn như kim loại, hợp kim hay một số vật liệu tổng hợp khác, với lợi thế hơn ở chỗ: có thể sạc nhanh hơn gấp 6 lần, dung lượng cao hơn gấp đôi, tuổi thọ khi sử dụng có thể lên đến 10 năm thay vì 2 năm như bây giờ và không có các thành phần dễ cháy. Dù được phát minh từ nhiều năm nhưng đến nay loại pin này mới dừng ở giai đoạn phát triển, chưa được ứng dụng rộng rãi.
Theo phân tích từ Bloomberg Law’s, Toyota có ít nhất 233 mẫu và ứng dụng liên quan đến công nghệ pin thể rắn - gấp gần 3 lần so với số lượng của các đối thủ khác. Công ty này đang đầu tư 13,9 tỉ USD vào doanh nghiệp pin và có kế hoạch thương mại hóa công nghệ thể rắn tính đến đầu năm 2020, theo báo cáo thường niên được công bố hồi tháng 10.
Trong vòng 1 thập kỷ qua, Toyota đã triển khai khoảng 200 nhân viên cùng một lúc để theo đuổi công nghệ này, ban đầu là tại Trung tâm Nghiên cứu Higashi-Fuji, gần núi Phú Sĩ.
Hiện tại, ngoài Toyota, một tập đoàn sản xuất ô tô lớn khác đó là Volkswagen AG đang thực hiện một số động thái nhằm đảm bảo nguồn pin vì e ngại không nhận đủ lượng pin cần thiết từ Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc. Hãng xe của Đức dự đoán, đến năm 2030, hơn một nửa doanh số ô tô toàn cầu sẽ là xe điện.