Sân bay 11,2 tỉ USD sẽ đưa hàng không Trung Quốc soán ngôi của Mỹ?

Thứ sáu, 18/10/2019 15:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với sự xuất hiện của sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc kỳ vọng có thể là đà bật nhảy để ngành hàng không bứt phá...

Sân bay hình sao biển mọc lên ở phía Nam Bắc Kinh

5 năm trước, khu đất nơi sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh mọc lên chỉ là đất nông nghiệp ở phía Nam, ít ai để ý. Nhưng nay thì khác, với sự xuất hiện của sân bay khủng Đại Hưng - Bắc Kinh, nơi đây trở thành trung tâm vận tải được chính phủ Trung Quốc kỳ vọng có thể là đà bật nhảy để ngành hàng không bứt phá, trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới.

Giảm tải, tăng khả năng kết nối Bắc Kinh

Sân bay Quốc tế Đại Hưng trị giá 80 tỉ nhân dân tệ (tương đương 11,2 tỉ USD) hình sao biển được truyền thông địa phương nhận định là “cánh cửa mới” của Trung Quốc. Nhà ga hiện đại của cảng hàng không này được thiết kế để đón hơn 100 triệu hành khách/năm, mang ý nghĩa biểu tượng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức như: Chiến tranh thương mại với Mỹ, kinh tế phát triển chậm lại và biểu tình rộng khắp tại Hong Kong. Với ý nghĩa đó, việc ông Tập đã tới tham dự lễ khai trương sân bay hôm 25/9 vừa qua là hiển nhiên.

Chủ tịch Tập xác định hàng không là ngành công nghiệp chiến lược chủ chốt. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, trong 2 thập kỷ tới, lưu lượng hành khách hàng không Trung Quốc thường niên sẽ đạt 1,6 tỉ, hơn cả dân số hiện tại của quốc gia này. Bên cạnh đó, báo cáo thường niên mới nhất về thị trường hàng không thương mại của Boeing chỉ ra, lưu lượng hành khách hàng không tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6%/năm.

Do đó, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải chi nhanh và mạnh để có thể đuổi kịp nhu cầu. Trung Quốc đặt mục tiêu có 450 sân bay thương mại tính đến năm 2035, gần như gấp đôi số lượng sân bay hiện có trong năm 2018.

Nhờ có Đại Hưng - Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc gia nhập vào hàng ngũ các thành phố lớn trên thế giới có hơn một sân bay tầm cỡ quốc tế như: London, New York và Tokyo. Sân bay mới sẽ giúp tăng khả năng đón khách của Bắc Kinh lên 60%, giảm tải cho sân bay quốc tế còn lại nằm ở phía Bắc vốn đã bận rộn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Atlanta, Mỹ.

Trước khi có Đại Hưng - Bắc Kinh, sân bay này luôn đối mặt với tình trạng hành khách chờ đợi dù đã được xây dựng thêm một nhà ga mới vào trước Thế Vận Hội mùa hè 2008.

Công ty McKinsey & Company cho biết, phi trường Đại Hưng ban đầu chỉ có 4 đường băng sau đó tăng lên thành 7 trong đó có một đường băng dành cho quân sự, qua đó mở ra những kết nối trực tiếp mới tới các địa điểm như TP San Diego, Mỹ. “Trung Quốc có thể có tới 10 nếu không nói đến hàng trăm địa điểm mới kết nối với Bắc Kinh trong mỗi năm. Đây là sức mạnh của việc sở hữu các trung tâm kết nối lớn” - ông Steve Saxon, đối tác của McKinsey tại Thượng Hải cho biết.

Đưa Bắc Kinh thành trung tâm vận tải hàng không

Đại Hưng cũng làm thay đổi mô hình “một hãng hàng không - một tuyến quốc tế” truyền thống của chính phủ Trung Quốc vốn để gần hết mảng miếng dịch vụ bay đường dài từ Bắc Kinh vào tay Air China.

Sân bay mới cho phép hai hãng hàng không lớn khác trong nhóm “Big Three” của Trung Quốc là China Eastern Airlines và China Southern Airlines mở đường bay tới châu Âu, châu Á. Họ cũng sẽ có các chuyến bay trực tiếp chưa từng có tới các thành phố như Paris (Pháp) và Moscow (Nga).

Không dừng lại ở các hãng lớn, việc nới lỏng chính sách một hãng hàng không, một tuyến của Trung Quốc tại Đại Hưng còn tạo điều kiện cho các hãng khác của nước này mở thêm các tuyến quốc tế - ông Yu Zhanfu, đối tác chuyên về mảng hàng không tại công ty tư vấn Chiến lược Roland Berger ở Bắc Kinh cho biết.

Cùng lúc, Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đưa ra nhiều chương trình khuyến khích các hãng bay sử dụng sân bay mới, đặc biệt là khi mở các tuyến quốc tế. Các hãng hàng không nước ngoài có thể chọn vận hành tại cả hai sân bay ở Bắc Kinh hoặc một trong hai nhưng hãng nào chuyển từ sân bay cũ sang Đại Hưng có thể mở thêm nhiều tuyến mới hoặc có các slot thuận tiện hơn - ông Yu Biao, Phó Giám đốc Phòng Vận tải thuộc Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết.

Với ưu đãi đó, rất nhiều hãng hàng không quốc tế trong đó có các hãng mang thương hiệu quốc gia như British Airway (BA) chuyển địa điểm. BA có kế hoạch chuyển tuyến bay Heathrow - Bắc Kinh sang sân bay mới từ ngày 27/10/2019, giúp tối ưu hoá thoả thuận chia sẻ mã với hãng China Southern.

Mục đích của việc thay đổi và ưu đãi trên là nhằm định hình lại Bắc Kinh như một trung tâm vận tải quốc tế. Hơn nữa, việc có thêm một cảng hàng không mới còn giúp kết nối Bắc Kinh với Thiên Tân và Hồ Bắc tốt hơn, từ đó đưa Trung Quốc vào vị thế mạnh mẽ có thể cạnh tranh với các trung tâm vận tải truyền thống như: Singapore, Hong Kong cũng như các trung tâm mới hơn như: Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) và Kuala Lumpur (Malaysia).

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)