Số vụ ăn trộm, làm giả biển số xe để trốn camera thu phí, phạt tốc độ… ngày càng tăng tại những nước áp dụng nhận diện biển số xe tự động.
Công nghệ nhận diện biển số đang được ứng dụng rộng khắp trên thế giới
Nhận diện biển số xe tự động (ANPR) là công nghệ đang được rất nhiều quốc gia phát triển trên toàn thế giới ứng dụng vào nhiều mục đích, từ thực thi pháp luật (bao gồm kiểm soát các phương tiện đã đăng ký hoặc có giấy phép hoạt động đến thu phí tự động), kiểm soát lưu lượng giao thông. Tuy nhiên, nạn trộm và nhái biển số đang khiến nhiều nước đau đầu.
Cách thức hoạt động
Để nói về xuất xứ của công nghệ này, phải nhắc tới Anh, cụ thể là Cơ quan Phát triển Khoa học Cảnh sát của “xứ sở sương mù” bởi đây chính là nơi phát minh ra ANPR vào năm 1976.
Những hệ thống thử nghiệm đầu tiên được triển khai trên đường A1 và hầm Darfort của Anh từ năm 1979 và sau 2 năm, hệ thống này đã phát hiện ra một chiếc ô tô bị mất cắp đầu tiên. Nhưng, do giá thành đắt và khó sử dụng nên mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI, các hệ thống thu thập dữ liệu sử dụng ANPR mới được ứng dụng rộng rãi và nay đã lan rộng ra khắp thế giới.
Hệ thống nhận diện biển số xe tự động có thể được sử dụng để lưu trữ hình ảnh chụp từ các camera gắn trên đường phố cũng như số/chữ trên biển số xe, thậm chí là hình ảnh của tài xế.
Để làm được điều đó, nhìn chung, các hệ thống này sử dụng các camera giám sát thông thường đã được lắp đặt trên các tuyến đường hoặc camera hồng ngoại cho phép chụp hình bất cứ lúc nào kể cả sáng/tối.
ANPR dùng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) để xác định những hình ảnh được chụp từ camera. Các hệ thống này cần có khả năng nhận biết các hệ thống phông chữ, kích thước và cách sắp xếp các ký tự trên biển số mà các quốc gia, thậm chí là từng khu vực áp dụng để có thể nhận diện chính xác.
Hiện tại, trong xu hướng công nghệ 4.0, kỹ thuật học sâu cũng được áp dụng vào ANPR để nhận diện biển số xe hiệu quả hơn. Một số quốc gia như Australia, Mỹ… còn phát triển các hệ thống ANPR di động (được gọi chính thức là MANPR) với 3 camera hồng ngoại được lắp đặt trên mỗi xe tuần tra cao tốc của Lực lượng Tuần tra Cao tốc từng bang.
Khả năng ứng dụng đa dạng
Với khả năng đọc và nhận diện biển số xe, ANPR được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên khắp thế giới trong nhiều lĩnh vực và mục đích khác nhau. Trong đó, mục đích sử dụng nhiều nhất đó là thực thi pháp luật: phát hiện các phương tiện có hợp pháp (đã được đăng ký, có bảo hiểm…) hay không (xác định các phương tiện bị ăn trộm, phục vụ điều tra tội phạm và các vụ khủng bố...).
Chẳng hạn, tại Mỹ, hệ thống ANPR chủ yếu được sử dụng theo hình thức di động và phổ biến ở khoảng 71% các cơ quan cảnh sát ở mỗi bang và là thành phần quan trọng trong việc thu thập thông tin tình báo, các chiến lược chính sách có thể dự đoán đô thị, thu hồi các phương tiện bị trộm cắp, xác định tội phạm bị truy nã, thu phí…
Rất nhiều bang của Hoa Kỳ đã ứng dụng ANPR để thực thi pháp luật với những mức phạt lên tới 500USD nếu phát hiện biển số xe hết hạn hoặc không chính chủ.
Ở nhiều thành phố/quốc gia như: Australia, Áo, Bỉ, Dubai (UAE), Pháp, Anh… ANPR được ứng dụng để theo dõi thời gian hành trình của phương tiện từ 2 điểm cố định và tính toán tốc độ trung bình, từ đó phát hiện phương tiện có vi phạm giới hạn tốc độ hay không.
Ở Italy, Cơ quan Đường cao tốc nước này đã phát triển hệ thống giám sát tên Tutor và lắp đặt trên hơn 2.500km (tính đến năm 2012) với khả năng đặc biệt khác nữa là có thể chặn các phương tiện khi đang đổi làn đường.
Một số ứng dụng khác đó là quản lý lưu lượng giao thông trên đường, tình trạng sử dụng các bãi đỗ ô tô…
Mặt trái của ANPR
Tuy nhiên, cũng chính vì sự phát triển và ứng dụng ngày càng rộng rãi của ANPR mà thế giới đặc biệt là những nước phổ biến công nghệ này đang chứng kiến nhiều vụ phạm tội nảy sinh.
Chẳng hạn tại Anh, số vụ phạm tội ăn trộm/làm giả biển số xe để trốn camera thu phí, phạt tốc độ… đang ngày càng tăng. Theo Tổ chức về mô tô RAC của Anh, số vụ làm giả biển số xe đã tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.
Có khoảng 3 triệu trong số 40 triệu phương tiện trên đường phố Anh bị làm nhái biển số. Trong đó, khoảng 2 triệu vụ nhái được thực hiện bằng cách ăn trộm biển số của một phương tiện chính chủ hoặc làm nhân bản phi pháp biển số tương tự nhờ chiêu trò móc nối với các gara (trả cho gara 20 bảng Anh cho một biển số để làm nhái).
Ngoài ra, 1 triệu biển số khác là do các cơ sở làm nhái tự in, phun số và ký tự. Bản thân Cơ quan Giao thông London thừa nhận họ chưa có đủ biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.